Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine liệu có chết yểu?

PV |

Cuối tuần qua, Nga tuyên bố ngừng tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine.

Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ công với Ukraine. Ảnh: Reuters

Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ công với Ukraine. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận này đạt được hồi tháng 7 năm nay, với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm giải phóng xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ukraine , vốn bị ngưng trệ do cuộc xung đột giữa 2 bên.

Nga đã lý giải như thế nào khi đưa ra quyết định này?

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo rằng, Moscow ngừng tham gia vào việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc trong một khoảng thời gian không xác định, vì phía Nga không còn có thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự chở hàng.

Bộ Quốc phòng Nga giải thích rằng, động thái này được đưa ra sau "một cuộc tấn công khủng bố" của Ukraine bằng máy bay không người lái nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, Crimea và các tàu dân sự liên quan đến việc đảm bảo an ninh cho hành lang ngũ cốc. Bộ này cũng cáo buộc rằng, vụ tấn công được tổ chức với sự liên quan của quân đội Anh.

Đối với Nga, sự việc này có thể coi như “giọt nước tràn ly”. Vì sau vụ nổ trên cầu Crimea, các chuyên gia đã nói tới sự liên đới của hành lang xuất khẩu ngũ cốc. Trước đó, để tránh buôn lậu, các tàu đi và đến các cảng của Ukraine đã phải qua kiểm tra trong lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo công bố của Nga, vụ nổ trên cầu Crimea đã xảy ra do chất nổ được chở đi từ Odessa-nơi có cảng ra biển Đen của Ukraine. Còn sau vụ tấn công vào các tàu của Hạm đội Biển Đen, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Kosachev cho rằng, vai trò của các hành lang ngũ cốc liên quan đến tổ chức vụ tấn công khủng bố trên cầu Crimea vẫn chưa được làm rõ một cách đầy đủ.

Hơn nữa, trong thời gian qua, giới chức Nga liên tục chỉ trích rằng, thỏa thuận ngũ cốc chưa có hiệu lực đối với Nga. Chính xác hơn, theo phía Nga, hạn chế chỉ được dỡ bỏ cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga đến các nước châu âu, mà chưa đến được các nước nghèo, các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu cấp bách và cần được đáp ứng.

Tác động của việc Nga dừng thực thi thỏa thuận ngũ cốc

Mục đích chính thức của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho một số quốc gia phụ thuộc nhiều. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), đó là Lebanon-quốc gia nhập từ Ukraine khoảng 60% tổng lượng lúa mì nhập khẩu, Djibouti (khoảng 55%), Somalia (khoảng 50%), Eritrea và Mauritania (khoảng 45%), Libya (trên 40%), Pakistan (trên 40%). Ngoài ra, Ukraine chiếm tới 50% thị phần mua của chính Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, tổ chức phân phối viện trợ nhân đạo cho các nước nghèo.

Sau vụ tấn công vào các tàu của Hạm đội biển Đen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, đáng tiếc là thỏa thuận ngũ cốc không những không giải quyết được vấn đề của các quốc gia có nhu cầu, mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm, vì một phần đáng kể hàng hóa từ Ukraine hoàn toàn không được gửi đến các nước có nhu cầu, mà đến châu Âu, và "đối với ngô, đậu tương, tỷ trọng của các nước EU dao động từ 60 đến 100%".

Theo Bộ Ngoại giao Nga, khoảng một nửa lượng ngũ cốc được chuyển đến EU, Anh, Israel và Hàn Quốc, trong khi các nước có nhu cầu nhận được khoảng 3% lương thực. Có nghĩa, theo phía Nga, phần lớn ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đã đến các nước giàu, mà không phải các nước nghèo, có nhu cầu cao như mục đích của thỏa thuận.

Vì thế, như Nga đã nhiều lần lên tiếng, cần dỡ bỏ hạn chế cho xuất khẩu nông sản và phân bón của nước này, khôi phục lại chuỗi cung ứng bị phá hủy. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, Moscow đã sẵn sàng gửi tới các nước nghèo nhất thế giới 500.000 tấn ngũ cốc trong vòng 4 tháng tới. Ông lưu ý rằng, xem xét vụ thu hoạch năm nay, Nga "hoàn toàn sẵn sàng thay thế ngũ cốc của Ukraine" và sắp xếp việc giao hàng cho "tất cả các nước quan tâm" với mức giá hợp lý.

Trước đó, Tổng thống Putin đã tuyên bố, năm nay Nga có một vụ thu hoạch ngũ cốc kỷ lục - khoảng 150 triệu tấn, trong đó có khoảng 100 triệu tấn lúa mì. Nga sẵn sàng góp phần khắc phục các vấn đề lương thực toàn cầu, cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nước nghèo nhất, đang phát triển. Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố, Moscow sẵn sàng cung cấp miễn phí 300.000 tấn phân bón của nước này đang kẹt ở các cảng của châu Âu cho các nước nghèo, khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Cơ hội cứu vãn thỏa thuận

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho biết, vụ khủng bố ở vịnh Sevastopol do Kiev tiến hành với sự hỗ trợ của chuyên gia Anh đã chứng minh rõ ràng rằng, mọi giao dịch lương thực nên được thực hiện mà không có sự tham gia và trung gian của các nước phương Tây. Ông lưu ý rằng, cộng đồng quốc tế không nên tập trung vào việc dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine mà lên án các hành động của Kiev và phương Tây nhằm phá hủy chuỗi cung ứng lương thực và ngũ cốc từ Liên bang Nga.

Đồng thời, theo thượng nghị sĩ, thỏa thuận ngũ cốc đặt ra nhiều câu hỏi, ngay cả khi không có một cuộc tấn công khủng bố. Đó là nếu loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ là nước trung gian, thì hầu như tất cả ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine không được gửi đến các nước đang phát triển và nghèo nhất, mà là đến các nước EU. Theo ông Kosachev, vào năm 2021, phương Tây chỉ chiếm 28% nguồn cung ngũ cốc của Ukraine, còn vào năm 2022, tỷ trọng của họ đã tăng lên 81%.

Theo Tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Kortunov, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có thể được nối lại, nếu Nga nhận được sự đảm bảo rằng, các cuộc tấn công đã gây ra cho Hạm đội Biển Đen sẽ không lặp lại trong tương lai.

Giáo sư Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Hakky Jashin cho rằng, Ankara sẽ nỗ lực trong những ngày tới để cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc vốn đang trên bờ vực thất bại sau khi Matxcơva quyết định đình chỉ. Ông nhấn mạnh rằng, “Nga có quyền bảo vệ lợi ích của mình”. "Chúng ta nên mong đợi một cuộc đối thoại tích cực giữa các tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga". Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng Liên Hợp Quốc cần nỗ lực giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản và phân bón từ Nga sang các nước nghèo. Vì tổ chức là một bên tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc.

Có thể nói, số phận thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine qua Biển Đen là hết sức mong manh. Các nhà trung gian, đặc biệt là Liên Hợp Quốc sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn cứu vãn thỏa thuận này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại