Thỏa thuận đánh cá Trung Quốc - Triều Tiên và những con 'tàu ma'

Cẩm Bình |

Trang Business Insider dẫn lời một số chuyên gia cho biết: Một thỏa thuận về đánh bắt thủy sản ký giữa CHDCN Triều Tiên và Trung Quốc vào năm 2016 có thể là nguyên nhân khiến số “tàu ma” chở đầy thi thể từ Triều Tiên dạt vào biển Nhật Bản tăng vọt thời gian qua.

Cũng theo các chuyên gia, hiện tượng này cho thấy Bình Nhưỡng đang có nhu cầu lớn về cá và ngoại tệ.

Theo trang The Japan Times, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản từ đầu tháng 11 đến nay đã phát hiện 50 chiếc tàu trong tình trạng hư hỏng được cho là từ Triều Tiên dạt vào bờ biển phía tây của Nhật, nhiều chiếc trong số này có cả những xác chết hay xương người.

Vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 13.12, giới chức tỉnh Akita đã phát hiện một chiếc tàu gỗ chứa các thi thể đang phân hủy, một trong số các thi thể còn mang phù hiệu thời cựu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il, đài CNN cho biết.

Ông Jeffrey Kingston, giám đốc nghiên cứu các vấn đề châu Á thuộc đại học Temple, từng lý giải rằng sở dĩ ngày càng có nhiều “tàu ma” Bình Nhưỡng có thể do Triều Tiên khan hiếm lương thực, hoặc do chính quyền đặt ra nhiệm vụ phải đánh bắt nhiều hơn nên ngư dân phải đi xa hơn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, có thể vì Triều Tiên đã bán quyền khai thác thủy sản ngoài khơi bờ biển phía tây cho Trung Quốc để đổi lấy ngoại tệ, nên ngư dân nước này phải chuyển sang đánh bắt ở vùng biển phía đông gần Nhật Bản, nơi có điều kiện thời tiết nguy hiểm hơn nhiều đối với những con tàu gỗ cũ kỹ.

Hãng tin Yonhap News dẫn lời một nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết thỏa thuận bán quyền khai thác thủy sản được Triều Tiên và Trung Quốc ký kết vào tháng 8.2016, theo đó, khoảng 2.500 tàu cá Trung Quốc được vào đánh bắt ở vùng biển nằm phía trên Đường giới hạn phía bắc (NLL) phân định ranh giới biển ở Hoàng Hải giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Theo nguồn tin này, Chủ tịch Kim Jong-Un đã bán giấy phép đánh bắt thủy sản thông qua các trung gian và đã kiếm về được 75 triệu USD vào thời điểm đó.

Thỏa thuận đánh cá Trung Quốc - Triều Tiên và những con tàu ma - Ảnh 1.

Triều Tiên đã bán quyền khai thác thủy sản ngoài khơi bờ biển phía tây cho Trung Quốc để đổi lấy ngoại tệ - Ảnh: Business Insider

Tuy nhiên, giáo sư Hazel Smith tại Trường nghiên cứu Đông phương và châu Phi (SOAS) thuộc đại học Luân Đôn, cho biết giấy phép đánh bắt thủy sản được giao dịch giữa các doanh nghiệp tư nhân.

Bà Smith cho biết: “Các công ty lớn nhỏ của Triều Tiên đã thực hiện các giao dịch cá nhân trên mọi lĩnh vực làm ăn, kể cả đánh bắt thủy sản, với đối tác Trung Quốc, tất cả giao dịch đều được các cấp lẫn chính phủ Bình Nhưỡng cấp phép”.

Triều Tiên có nhu cầu về cá rất lớn

Chính quyền Bình Nhưỡng trong nhiều năm luôn khuyến khích người dân nước này đánh bắt nhiều thủy sản hơn. Trong một bài viết đăng vào tháng 11 vừa qua, tờ báo Rodong Sinmun của nhà nước Triều Tiên đã ví: “Tàu cá giống như tàu chiến, bảo vệ cho người dân và đất nước, còn cá giống như đạn”.

Nói về hiện tượng “tàu ma” tăng vọt, tờ The Washington Post dẫn lời giáo sư Toshimitsu Shigemura từ đại học Waseda cho biết: “Ngư dân (Triều Tiên) thường có một hạn ngạch nhất định, và họ thường bán thủy sản cho Trung Quốc. Với những lệnh cấm vận mới hiện nay, họ không thể bán thủy sản ra nước ngoài, nhưng hạn ngạch thì vẫn tồn tại, do đó ngư dân có thể đã ở ngoài biển quá lâu để bắt được nhiều hơn”.

Theo giáo sư Smith, tuy cá không thể và chưa bao giờ là nguồn cung cấp protein chính của người dân, nhưng chính quyền Triều Tiên vẫn khuyến khích đánh bắt cá để bổ sung protein vào bữa ăn.

Và mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng trong 25 năm qua đã phát triển nuôi cá nước ngọt, nhưng vì chúng quá đắt đỏ để mua bán và vận chuyển, lại rất ít người có tủ lạnh, nên các ngư dân vẫn mạo hiểm đi đánh bắt xa.

Thỏa thuận đánh cá Trung Quốc - Triều Tiên và những con tàu ma - Ảnh 2.

Nuôi cá nước ngọt không giúp giảm tình trạng đói nghèo ở Triều Tiên - Ảnh: KCNA

Bà Smith cho biết: “Người dân vẫn đói và trong mùa đông khi nhiệt độ thường là -20 độ C, bạn cần thức ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mọi người vẫn đang phải chiến đấu với đói nghèo. So với 20 năm về trước, hiện nay rất dễ vượt qua hệ thống kiểm tra an ninh vì các quan chức an ninh cũng cần kiếm tiền để mua thức ăn cho gia đình mình. Họ có thể phớt lờ để cho một chiếc tàu đi ra khơi hoặc có thể thỏa thuận để nhận được một phần lợi ích khi tàu đánh bắt đem được thứ gì đó về”.

Nói về hiện tượng “tàu ma”, bà Sminh cho hay: “Tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi thấy nhiều thứ khủng khiếp hơn đang xảy ra. Người dân đang tuyệt vọng hơn, và họ cũng có nhiều cơ hội hơn. Điều này cho thấy đất nước này (Triều Tiên) đang lâm vào tình trạng xấu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại