Thỏa thuận chia sẻ quyền lực: Lối thoát cho cuộc chiến ở Yemen?

Đình Nam |

Lễ ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các bên trong chính phủ Yemen diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 5/11.

Ngày 5/11, Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đã chính thức ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với lực lượng ly khai miền Nam, nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh giành quyền lực nội bộ trong phe chính phủ quốc gia này. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước Arab trong khu vực, ngay lập tức đã hoan nghênh động thái này của các bên Yemen, coi đây là một bước tiến quan trọng, làm giảm bớt sự phức tạp của cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua.

Lễ ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các bên trong chính phủ Yemen diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, trước sự chứng kiến của Thái tử nước chủ nhà Mohammed bin Salman. Chi tiết của thỏa thuận Riyadh không được công khai một cách chính thức. Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán trước đó, thỏa thuận này kêu gọi chính phủ Yemen tiến hành cải tổ nội các, trong đó có sự tham gia của lực lượng ly khai miền Nam và đặt lực lượng này dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Là 1 quốc gia đứng ra trung gian, bảo trợ cho thỏa thuận này cũng như thúc đẩy các bên ở Yemen ngồi vào bàn đàm phán; Thái tử Saudi Arabia Mohammed khẳng định, thỏa thuận sẽ mở ra một giai đoạn ổn định mới cho đất nước và người dân Yemen.

“Thỏa thuận này sẽ mở ra các cuộc đàm phán rộng rãi hơn giữa các bên tại Yemen, nhằm tìm ra 1 giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Chúng tôi hi vọng những nỗ lực của chúng tôi sẽ thành công, vì lợi ích những quốc gia anh em và người dân của chúng tôi”, Thái từ Mohammed nói.

Đây cũng là nhận định của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths. Theo ông, thỏa thuận Riyadh được ký giữa các bên Yemen là một bước tiến hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi thỏa thuận giữa các bên Yemen là một “khởi đầu tốt”, đồng thời kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột Yemen làm việc tích cực hơn để có được 1 thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến cuối cùng.

Còn Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit cho rằng, thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các bên trong nội bộ chính phủ Yemen là một bước tiến nhằm duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Yemen, ngăn chặn quốc gia này rơi sâu hơn vào mâu thuẫn và li khai.

Ngoại trưởng Jorrdan Ayman Safadi và Thứ trưởng Ngoại giao Kuwait Khaled Al-Jarallah cũng đã hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời đánh giá cao vai trò của Saudi Arabia khi giúp các bên Yemen ký được thỏa thuận quan trọng này. Theo các quốc gia Arab, thỏa thuận này là cánh cổng cho hòa bình và các cuộc hòa đàm trong tương lai (nếu có) giữa lực lượng phiến quân Houthi và Chính phủ hợp pháp Yemen.

Năm 1990, Cộng hòa Dân chủ Yemen ở miền Nam và Cộng hòa Yemen Arab ở miền Bắc đã hợp nhất thành lập Cộng hòa Yemen. Tuy nhiên, các vùng ở miền Nam từ đó vẫn tìm cách tách ra độc lập. Đặc biệt là sau khi chính phủ Yemen được quốc tế công nhận tỏ ra “yếu kém” trong cuộc chiến với lực lượng phiến quân Houthi.

Hồi tháng 8 vừa qua, lực lượng ly khai miền Nam đã chiếm cứ 1 số tòa nhà của chính phủ Yemen tại thành phố Aden, miền Nam, khiến Liên minh Arab hậu thuẫn chính phủ Yemen lo lắng. Với thỏa thuận vừa được ký kết, cuộc chiến tại Yemen đã giảm đi sự phức tạp, khi chỉ còn 2 bên tham chiến chính là lực lượng chính phủ được quốc tế công nhận và Liên minh Arab hậu thuẫn, với lực lượng phiến quân Houthi - được cho là thân với Iran./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại