Chiến dịch đánh trên bộ và không kích mang tên “Cành ô liu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bóp nát lực lượng dân quân YPG người Kurd ở vùng Afrin có Mỹ chống lưng.
“Cành ô liu” đã mở thêm một mặt trận mới trong cuộc nội chiến Syria có nhiều bên tham gia, và có thể đe dọa kế hoạch của Mỹ là ổn định và tái thiết một vùng lớn ở Đông Bắc Syria (ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Syria) là nơi Mỹ giúp một lực lượng mà YPG chiếm đa số trong mục tiêu loại trừ các tay súng IS.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố 2.000 cố vấn quân sự Mỹ sẽ được giữ lại tại khu vực của người Kurd, để chặn sự hồi sinh của IS tại Syria và cũng là để kiềm chế sức mạnh của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Hồi đầu tháng 1, Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị thành lập một lực lượng an ninh biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng 30.000 quân, mà nòng cốt là các chiến binh YPG.
Hành động ấy chọc tức Thổ Nhĩ Kỳ và nước này cho rằng Washington ủng hộ người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn đã tổ chức một cuộc nổi dậy từ năm 1984 tới nay trong vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự lớn mạnh của YPG được xem là một cái gai trong mắt Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người từng mô tả nhóm dân quân này là "những kẻ khủng bố" và đòi quét sạch họ khỏi Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ rất bực việc Mỹ “chống lưng” YPG, một trong những vấn đề nóng đã đẩy quan hệ Mỹ với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ đến sát gần điểm tan vỡ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhắc lại yêu cầu của nước này: Mỹ phải ngưng chống lưng YPG. Ông nói: “Tương lai quan hệ của chúng tôi tùy thuộc các động thái kế tiếp của Mỹ. Chúng tôi sẽ không sống trong sợ hãi và đe dọa”.
YPG là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại bọn IS, được Mỹ trang bị và yểm trợ trong cuộc chiến đánh bật bọn IS khỏi thành phố Raqqa (Syria) hồi tháng 10.2017.
Nếu Afrin bị rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là một động thái cho thấy Washington không muốn hoặc không có khả năng bảo vệ đồng minh của mình. Cả hai trường hợp này đều khiến uy tín của Mỹ tại Trung Đông suy giảm nghiêm trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói “Cành ô liu” làm mất nỗ lực đánh thắng bọn IS. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói bọn IS hầu như đã bị đập tan ở Syria, và đe dọa lớn hơn là từ YPG. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố “Cành ô liu” sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Dù vậy, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan lại phát tín hiệu về một chiến dịch xuyên biên giới, khi nói rằng nó chỉ kết thúc khi 3,5 triệu người tị nạn Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nước an toàn, và các tổ chức khủng bố đòi ly khai hoàn toàn bị xóa sạch khỏi khu vực.
Đáp lại, chính quyền do người Kurd đứng đầu ở Đông Bắc Syria kêu gọi tổng động viên để bảo vệ vùng Afrin.
Reuters tối 23.1 dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24.1 sẽ gọi điện thoại đến người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để nói việc Ankara tấn công YPG ở Afrin. Mỹ và Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế.
Một quan chức cấp cao Mỹ khác nói Mỹ sẽ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tấn công tối đa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tỏ ý lo ngại, sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này muốn tránh bất kỳ sự đối đầu nào với các lực lượng quân Mỹ, Nga hoặc Syria trong chiến dịch quân sự này, và chỉ muốn đánh bọn khủng bố đòi ly khai, nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia.
Ngày 23.1, Tổng thống Erdogan cho ông Macron biết Thổ Nhĩ Kỳ đã có tất cả các biện pháp tránh cho dân thường không bị thương vong khi họ đánh Afrin. Hai nhà lãnh đạo đồng ý liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.
Điện Kremlin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện nói chuyện với ông Erdogan, và khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được tôn trọng.
Tuyên bố của Điện Kremlin nói hai ông Putin-Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác hai nước là tìm ra một giải pháp hòa bình cho nội chiến Syria.
Theo Reuters, Nga là đồng minh mạnh của Tổng thống Syria Bashar al- Assad, trong việc đánh các cánh quân nổi dậy và bọn IS ở Syria.