Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.
Trong khi việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thái độ được cho là chiến thắng lớn của NATO và là thất bại đối với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không nhượng bộ nếu không đạt được những gì Ankara mong muốn.
Trước khi ký một bản ghi nhớ chung với hai quốc gia Bắc Âu, ông Erdogan hôm 28/6 tuyên bố NATO không thể để mất tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bản ghi nhớ mà Thổ Nhĩ Kỳ ký với Phần Lan và Thụy Điển, hai nước Bắc Âu cam kết "giải quyết các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ nghi phạm khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một cách nhanh chóng và triệt để".
Thụy Điển và Phần Lan cũng nhất trí dỡ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả cuộc tấn công quân sự của Ankara vào Syria năm 2019.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn luôn là vấn đề đau đầu của NATO. Các sự kiện địa chính trị gần đây đã cho thấy không ít lần liên minh phải nhượng bộ trước Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho rằng, hơn ai hết, Tổng thống Erdogan thấy rõ nhất điều đó và khôn khéo sử dụng vị thế của đất nước trong NATO để phục vụ lợi ích quốc gia.
Cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine ở một khía cạnh nào đó chính là cuộc đối đấu giữa Nga và NATO, trong bối cảnh như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ tự định vị họ là một bên trung lập, không tham gia cùng NATO trừng phạt Nga trong khi đề nghị làm trung gian giữa các bên tham chiến. Thổ Nhĩ Kỳ có hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến nhưng vẫn luôn cẩn trọng để không khiến Nga tức giận.
Các chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có giá trị hơn bao giờ hết đối với NATO. Nước này nằm ở sườn Đông Nam của liên minh, một vùng đệm quan trọng giữa Nga và phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quân đội lớn thứ hai trong liên minh, chỉ sau Mỹ và giáp ranh với một loạt các quốc gia Trung Đông có lịch sử bất ổn chính trị và là nơi các quốc gia phương Tây có lợi ích lớn.
Tuy nhiên, Ankara không phải lúc nào cũng là cái gai trong mắt liên minh.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952, ba năm sau khi tổ chức này được thành lập và họ coi liên minh này là "nền tảng" trong chính sách quốc phòng và an ninh của mình. Nhưng các nhà phân tích và sử học nói rằng, nếu như trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ từng phục vụ lợi ích chiến lược của nhóm, thì dưới thời ông Erdogan lại trở thành một lực lượng gây rối nhiều hơn.
Ông Erdogan giữ chức thủ tướng từ năm 2003 đến năm 2014, và giữ cương vị tổng thống từ năm 2014 đến nay.
Oya Dursun-Ozkanca, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Elizabethtown ở Pennsylvania nhận định: “Trong Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hòa nhập rất tốt vào cơ sở hạ tầng an ninh phương Tây. Nước này từng là một đồng minh khá đáng tin cậy của phương Tây trong hơn nửa thế kỷ”.
Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đều cần có nhau
Tuy nhiên, theo bà Dursun-Ozkanca, tần suất và cường độ của những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO đã tăng lên theo thời gian khi Ankara áp dụng các quan điểm chính sách đối ngoại chủ động chống phương Tây.
Ông Erdogan bất đồng với các nước thành viên NATO về một số vấn đề, bao gồm cả Syria, Libya và đã sử dụng vị trí chiến lược của đất nước mình để đòi hỏi sự nhượng bộ từ các nước láng giềng châu Âu thông qua việc đe dọa mở cửa cho hàng triệu người tị nạn vào châu Âu.
Năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc bổ nhiệm ứng cử viên người Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng thư ký NATO, phải cho đến khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama cam kết để một trong những cấp phó của ông Rasmussen là người Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara mới đồng ý. Khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ viện lý do cho rằng cách thức ông Rasmussen xử lý các hành vi xúc phạm nhà tiên tri Mohammed trên một tờ báo Đan Mạch vào năm 2006 là có vấn đề.
Trong động thái có lẽ là táo bạo nhất và gây tranh cãi nhất, năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Tên lửa của hệ thống S-400 được thiết kế để bắn hạ máy bay NATO.
Sinan Ulgen, một cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và là Chủ tịch viện nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul cho rằng chính những quyết định và phong cách lãnh đạo mang tính chiến đấu cao, quyết liệt hơn và ít đồng thuận hơn của ông Erdogan đã gây không ít khó khăn cho NATO.
“Điều này cũng phản ánh sự khó đoán định ngày càng gia tăng trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ulgen nói.
Giới phân tích cho rằng, việc một thành viên của liên minh ưu tiên lợi ích quốc gia ở những mặt mà họ có thể làm như vậy vốn không phải là điều gì gây bất ngờ. Vấn đề ở đây là những lợi ích đó khác xa với chương trình nghị sự của NATO.
“Người Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tạp thêm việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của NATO vì họ từ chối đi theo dòng chảy chung, cho đến khi lợi ích quốc gia được thỏa mãn”, Rich Outzen, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, DC, người đồng thời là cựu sĩ quan quân đội, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Đây không phải là hành vi liên minh xấu, đó là hành vi liên minh điển hình đối với các quốc gia có sức mạnh hàng đầu trong tổ chức”, ông Outzen nói.
Theo các nhà quan sát, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ giá trị của mình đối với NATO, họ cũng nhận thấy lợi ích của mình khi là thành viên của khối. “Đó là mối quan hệ an ninh và chính trị đôi bên cùng có lợi. Tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đều cần có nhau”, ông Outzen nhấn mạnh./.