Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc đàn áp với quy mô lớn và có dự định khôi phục lại án tử hình để trừng trị những nhân vật có vai trò lớn trong cuộc đảo chính đang khiến phương Tây và Mỹ lo ngại.
Ankara bỏ án tử hình từ năm 2004, trong nỗ lực cải cách để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập EU nếu khôi phục án tử hình.
Ông nói: "Đức và các nước thành viên EU có quan điểm rất rõ ràng rằng chúng tôi phản đối án tử hình. Một quốc gia có án tử hình sẽ không thể là thành viên của EU. Do vậy, đề xuất khôi phục án tử hình cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt quá trình đàm phán gia nhập EU".
Mỹ khẳng định ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ xử lý những người tham gia đảo chính nhưng phải theo các nguyên tắc của pháp luật.
Một số người cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang tận dụng cơ hội này để củng cố quyền lực và đàn áp các phe bất đồng chính kiến.
Trong số gần 20.000 người bị bắt và sa thải có khoảng 8.000 cảnh sát (chủ yếu ở Ankara và Istanbul), 1500 quan chức Bộ Tài chính, 3.000 thẩm phán và công tố viên, 6038 binh sĩ.
Ankara cho rằng, Cựu Tư lệnh Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Akin Ozturk và giáo sĩ Hồi giao Fethullah Gulen là đồng chủ mưu trong cuộc đảo chính. Ông Akin Ozturk đã bị bắt, trong khi đó ông Fethullah Gulen vẫn đang ở Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc giục Mỹ dẫn độ ông Gulen về Ankara. Trong khi đó, Washington cho biết sẽ làm theo yêu cầu đố khi Ankara cung cấp đủ bằng chứng cho thấy ông này đã phạm tội. Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra tức giận và cho biết sẽ xem xét lại mối quan hệ với Mỹ.