Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), muốn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, còn Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara nếu vẫn tiếp tục thương vụ này. Vì thế, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đau đầu quyết định chọn làm bằng lòng Nga hay Mỹ.
Tờ báo viết rằng 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực quốc phòng vẫn đang tiếp diễn. Nếu như quốc gia nào muốn sở hữu hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất, họ sẽ có ngay 2 nhà cung ứng tiềm năng: Nga và Mỹ.
Тhổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO từ năm 1952 nhưng cho đến nay không có hệ thống phòng không của riêng mình. Do đó, Ankara thường xuyên phải nhờ đến sự trợ giúp của các nước khác.
Nhìn chung, theo lô-gich, Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO - phải mua tên lửa đất đối không của Mỹ. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cố làm điều đó nhưng đã không thể thỏa thuận với Washington, trong số các lý do có sự nghi ngờ từ phía quốc hội Mỹ.
Thực tế là, Tổng thống Erdogan trong nhiều năm trời đã tự xác định mình là một nguyên thủ quốc gia cố gắng duy trì khoảng cách bằng nhau với Moscow cũng như với Washington. Từ đó, tháng 9-2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng 2,5 tỉ USD để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây tranh cãi. Ảnh: REUTERS
Khi đó, thỏa thuận trên đã thu hút sự chú ý của dư luận nhưng NATO cho rằng vấn đề sẽ bị đình trệ. Tuy nhiên, đến nay ngày cung cấp lô hàng đầu tiên hệ thống tên lửa S-400 đang đến gần hơn - báo Der Spiegel lưu ý.
Vì thế, chính phủ Mỹ đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lãnh hậu quả nếu như hợp đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cứ được thực hiện.
Trước đó, từ năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào chương trình "Joint Strike", trong đó Mỹ và các đồng minh nghiên cứu máy bay chiến đấu tàng hình. Ngoài ra, lúc ấy, Washington và Ankara đã thỏa thuận về việc cung cấp gần 100 máy bay F-35.
Bây giờ, Mỹ dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình trên và hủy việc cung cấp F-35. Lầu Năm Góc lo ngại Moscow có thể có được thông tin mật về loại máy bay F-35 khi hệ thống S-400 được lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara, bao gồm cả việc chống lại ý chí của Tổng thống Trump. Lệnh trừng phạt này bao gồm cấm nhập cảnh đối với một số nhân vật đại diện chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, áp dụng hình phạt đối với các ngân hàng và loại bỏ giấy phép xuất khẩu.
Điều này sẽ làm tăng thêm áp lực đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang gặp khó khăn. Kể từ đầu năm nay, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm 14% giá trị so với đồng USD. Năm ngoái, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến mục sư Branson bị cầm tù và điều này đã góp phần khiến cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị suy thoái.
Mặt khác, việc từ chối mua S-400 sẽ gây thiệt hại cho mối quan hệ của Ankara với Moscow. Do cuộc chiến tranh ở Syria, ông Erdogan cần có mối quan hệ tốt với Tổng thống Putin. Các hoạt động của quân đội Syria và Nga ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, có nguy cơ kích động một cuộc di cư quy mô về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tình huống như vậy, ông Erdogan lẽ nào có thể dám cho phép bản thân chọc giận ông chủ Điện Kremlin?
Đây cũng là một trong những lý do khiến thỏa thuận mua S-400 của Nga được coi là gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông Erdogan vẫn quyết tâm với thương vụ này. "Ở đây có một thỏa thuận mà chúng tôi đã ký kết, đó là một quyết định. Sự khước từ không được xem xét" - ông Erdogan khẳng định.
Tuy nhiên, ở hậu trường, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tìm cách thoát khỏi tình trạng khó xử này.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc mua C-400 không thể được thực hiện trong tháng 6 theo kế hoạch.
Trong khi đó, một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ thân chính phủ trích dẫn các nguồn tin ẩn danh của Nga cho biết Moscow đã sẵn sàng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 vào ngày 21-6 tới đây.
Theo dữ liệu của tờ báo này, có thể là, ủy ban kỹ thuật của NATO sẽ kiểm tra lại xem liệu dữ liệu về khả năng của loại máy bay F-35 mới có thể lọt vào tay Nga thông qua hệ thống S-400 hay không.
Hai ông Erdogan và Trump có kế hoạch gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka - Nhật Bản trong 2 ngày 28 và 29-6 tới. Từ nay cho đến lúc đó, theo báo Der Spiegel, không nên chờ đợi có bất cứ chuyển động nào về thương vụ S-400.
Đối với ông Erdogan, điều này cũng có nghĩa là không nên mong đợi lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ trước cuộc bầu cử - sẽ được tổ chức tại Istanbul vào ngày 23-6. Bây giờ đó là điều chính yếu đối với ông.