Tổng thống Erdogan phản ứng rất giận dữ với cả sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel với Hà Lan. Cơn giận của ông Erdogan ngày càng dữ dội mặc cho các lãnh đạo châu Âu đề nghị bình tĩnh.
Căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát ngay trước khi Hà Lan bước vào bầu cử hôm nay, 15-3. Đây cũng là đòn bất lợi với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) của ông.
Ankara ngày 13-3 kêu gọi người Thổ ở châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng không bỏ phiếu cho các đảng bị cho là “kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ”. Hiện có khoảng 400.000 người Thổ sống ở Hà Lan. Có khoảng năm triệu người Thổ sống khắp châu Âu.
Ngược lại, lời kêu gọi của ông Erdogan có thể coi là một lợi thế đối với đảng cực hữu Vì tự do (PVV) của ông Geert Wilders. Với tư tưởng chống Hồi giáo, ông Geert Wilders được biết đến với cách gọi là một “Donald Trump” của Hà Lan. Ông Wilders từng được cựu lãnh đạo David Duke của đảng Ku Klux Klan (Mỹ) tuyên bố ủng hộ. Ông Duke cũng là người từng nhiệt thành ủng hộ ông Trump.
Một cuộc thăm dò nhanh do Maurice de Hond thực hiện tối 13-3 cho thấy trong khi đảng VVD của Thủ tướng Rutte chiếm thêm được ba ghế thì đảng PVV của ông Wilders cũng chiếm thêm hai ghế.
Maurice de Hond dự đoán căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ-Hà Lan sẽ mang lại ít nhất thêm năm ghế cho đảng PVV. Thăm dò mới nhất của Reuters cho thấy đảng VVD của Thủ tướng Rutte vẫn đứng đầu với 16,2% nhưng đảng PVV của ông Wilders cũng đuổi sát với 13,4%.
Thật ra đảng PVV nếu thắng cũng không có nhiều cơ hội thành lập chính phủ vì các đảng khác đều không muốn liên minh với một đảng được coi là phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nếu đảng này thắng thì sẽ là một cú sốc với không chỉ Hà Lan mà cả châu Âu. Chiến thắng của đảng PVV và Wilders sẽ là sự khích lệ rất đáng ngại với làn sóng cực hữu đang gia tăng ở châu Âu.
Pháp sẽ bầu cử tổng thống tháng tới và hiện đảng cực hữu của bà Marine Le Pen đang dẫn đầu. Tháng 9 tới, Đức sẽ bầu cử Quốc hội và đảng cánh hữu Thay thế cho nước Đức nhiều khả năng sẽ thắng lớn lần đầu tiên.