Phát biểu tại một cuộc họp ngày 20/1 về tình hình Syria và Iraq diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek nói: "Chúng ta phải thực tế. Tình hình trên thực địa đã thay đổi đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ không còn duy trì quan điểm về một giải pháp (cho vấn đề Syria) mà không có ông al-Assad. Đó là điều không thực tế."
Tuần trước, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định rằng một đất nước Syria hòa bình và thống nhất là không thể thiếu Tổng thống al-Assad, song mong muốn bắt đầu từng bước để đạt kết quả trong cuộc đàm phán dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana của Kazkhstan vào ngày 23/1 tới với trọng tâm là tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria.
Trước đó, ngày 19/1, đề cập đến cuộc đàm phán sắp diễn ra tại Astana, Tổng thống Syria al-Assad cho biết cuộc hòa đàm sẽ tập trung thảo luận vấn đề ngừng các hành động thù địch nhằm cho phép các chuyến hàng viện trợ vào quốc gia Trung Đông này.
Chính phủ Syria đã đạt được một loạt thỏa thuận ở cấp địa phương, theo đó các nhóm nổi dậy rút khỏi các khu vực để đổi lấy việc Damascus chấm dứt các cuộc oanh kích hoặc bao vây. Theo Tổng thống al-Assad, nếu một thỏa thuận tương tự đạt được tại Astana, các tay súng phe đối lập sẽ hạ vũ khí và được chính phủ ân xá.
Trước đó, các nhóm nổi dậy ở Syria thông báo sẽ tham dự cuộc hòa đàm ở Astana để thảo luận về lệnh ngừng bắn mong manh và đẩy mạnh hoạt động viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó cùng ngày, hãng tin RIA cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mỹ đã được mời tham gia cuộc đàm phán này.
Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán tại Kazakhstan do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian, sẽ được tổ chức giữa đại diện của chính quyền Syria và các nhóm đối lập vào ngày 23/1 tới, ngoại trừ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham trước đây được biết dưới tên gọi Mặt trận Al-Nusra - có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda./.