Theo Hãng thông tấn AFP (Pháp), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ bắt đầu chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 21/8 tới đây. Ông Kerry chính là quan chức phương Tây cao cấp nhất đến Ankara sau vụ đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã dọa rời bỏ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến mối quan hệ giữa nước này với các đồng minh phương Tây trở nên căng thẳng.
Dọa rời NATO, Thổ - Nga xích lại gần nhau
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Anadolu ngày 10/8, ông Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "suy nghĩ đến việc rút khỏi NATO" nếu khối này không hỗ trợ tích cực Ankara sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng trước.
Ông Cavusoglu cáo buộc: "Các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) đang chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và thù địch với Tổng thống Erdogan".
"Nếu phương Tây 'mất đi Thổ Nhĩ Kỳ' thì đó là lỗi của họ", Cavusoglu nhấn mạnh.
Ngày 18/8 trả lời phỏng vấn hãng Sputnik (Nga), Ngoại trưởng Cavusoglu tiếp tục chỉ trích NATO không hợp tác hoàn toàn với Ankara nên nước này sẽ xem xét khả năng hợp tác quân sự với Nga.
Quan hệ Nga – Thổ ấm lên là điều khiến phương Tây hết sức lo sợ. Trước sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO vẫn khẳng định vị trí chủ chốt của Ankara trong khối bởi quốc gia này nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á, đóng vai trò trung gian chủ chốt giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Theo giới quan sát, sau âm mưu đảo chính hôm 15/7, NATO liên tục chỉ trích cuộc thanh trừng trong nước của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nên việc Ankara tìm tới Moscow là điều dễ hiểu.
Vụ âm mưu đảo chính đêm 15/7 là bước ngoặt khiến Thổ Nhĩ Kỳ gần như "ngả" hẳn về phía Nga. (Ảnh: Reuters)
Bất mãn phương Tây, ngả sang hướng Đông
Sau sự kiện 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng phát đi tín hiệu bất mãn với phương Tây.
Tổng thống Erdogan cáo buộc: "Phương Tây đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Các quốc gia này đứng cùng hàng ngũ với những kẻ gây ra cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo ông Hứa Cẩn Hoa - giáo sư Học viện quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc: "Nguyên nhân lớn nhất khiến Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa rời NATO, do sau đảo chính, nước này không nhận được sự ủng hộ của liên minh châu Âu (EU)".
Tuy nhiên, đằng sau phát ngôn đe dọa chính là sự mâu thuẫn, xung đột ngầm đã được tích lũy lâu dài trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây.
"Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn hi vọng hợp tác với NATO nhưng chúng tôi hoàn toàn không hài lòng với kết quả hiện tại", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu tiết lộ với truyền thông Nga.
"Vì văn hóa khác biệt nên trong các quốc gia phương Tây tồn tại sự bài xích với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính lần này chính là kíp nổ, châm ngòi cho sự 'giận dữ' được tích lũy lâu ngày của Ankara có cơ hội bùng nổ", ông Hứa Cẩn Hoa nhấn mạnh.
Để cân bằng quan hệ với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tìm kiếm và cải thiện quan hệ với Nga.
Ông Stanislav Tarasov - chuyên gia Viện nghiên cứu quốc tế Nga nhận định:
"Sau cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan rất nhanh chóng xích lại gần Nga - đối tác Ankara bất hòa trong thời gian dài. Đây là một chiến thuật mà Erdogan dùng để thách thức Mỹ - "con bài phương Đông".
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thay đổi phương châm địa chính trị. Đe dọa rời khỏi NATO cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình cải thiện quan hệ Ankara - Moscow".
Phương Tây không hài lòng với chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan. (Ảnh: Reuters)
Lùi một bước tiến hai bước
"Dù có bất mãn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ dàng thay đổi chiến lược gia nhập EU cũng như không dễ dàng rời bỏ NATO", Chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu Trung Đông - châu Phi, Đại học Nhân dân Trung Quốc Thôi Thủ Quân cho hay.
NATO có địa vị quan trọng gần như không thể thay thế đối với Ankara.
"Nga không thể thay thế vị trí của Mỹ và NATO. 3/4 nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Âu - Mỹ, quân đội nước này cũng có quan hệ mật thiết với NATO", một chuyên viên Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định.
Về tương lai Thổ - NATO, ông Hứa Cẩn Hoa cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ sức mạnh và không gian chiến lược để thay đổi cục diện. Đe dọa rời NATO để thể hiện dụng ý khác của Ankara: Hy vọng có thể tiến một bước trong quá trình gia nhập EU.
Tuy chiến lược "hướng Tây" sẽ không dẫn đến những thay đổi cốt lõi nhưng Ankara có thể dựa trên những vấn đề cụ thể để đưa ra những chính sách linh hoạt hơn.
Theo Newsweek (Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng giành quyền thể hiện sức mạnh và kiểm soát ở dải biên giới phía Bắc Syria, nhằm khống chế lực lượng vũ trang người Kurd.
Trong khi đó, Nga lại ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Điều này có lợi cho việc kìm hãm sự phát triển lực lượng vũ trang người Kurd.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã bày tỏ hợp tác quân sự với Moscow nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, theo Daily Mail.
"Ankara muốn tìm bước đột phá để cân bằng lại trạng thái mất cân bằng tồn tại trước đó trong quan hệ Thổ - Nga", Hứa Cẩn Hoa nhận xét.