Với việc đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao bốn nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức tại thành phố Istanbul vào ngày 7/9 tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan theo đuổi ý định thành lập khuôn khổ diễn đàn thảo luận cấp cao mới về vấn đề Syria.
Cho tới nay, cả ba nước kia chưa biểu lộ phản ứng gì. Nhưng sự tự tin của ông Erdogan khi loan báo sự kiện này cho thấy phía Thổ Nhĩ Kỳ đã có trao đổi và thoả thuận trước với ba nước kia.
Vì quan hệ hiện tại giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ không được êm thấm nên chắc Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cần thêm thời gian để dàn xếp ổn thoả mọi chuyện trong nội bộ và để thống nhất với phía Thổ Nhĩ Kỳ về một số chuyện nhất định liên quan đến chương trình nghị sự và thể thức của hội nghị cấp cao cũng như cả về chuyện đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu không có đột biến đặc biệt gì trong thời gian tới thì với hội nghị này, thế giới sẽ có thêm khuôn khổ diễn đàn đa phương mới về tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Syria.
Cũng nhằm mục đích ấy, hiện tại có hai khuôn khổ diễn đàn chính là hội nghị các bên liên quan dưới sự chủ trì của LHQ diễn ra ở thủ đô Geneve của Thuỵ Sỹ và cơ chế cấp cao ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran họp ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gạt Mỹ ra khỏi diễn đàn mới do ông đề xướng. Ảnh: EPA
Nước cờ mới của TT Thổ Nhĩ Kỳ
Có ba điều đáng được chú ý đến ở ý tưởng này của ông Erdogan. Thứ nhất là thành phần tham dự không có Mỹ và Iran, không có EU và LHQ.
Mỹ và Iran đều đóng vai trò cùng quyết định đối với việc chấm dứt chiến tranh và nội chiến, bạo lực và thù địch ở Syria và khu vực xung quanh Syria. LHQ và EU đóng vai trò rất quyết định đối với công cuộc tái thiết Syria.
Tất cả 4 đối tác này đều không thể không có vai trò quan trọng trong việc thực thi bất cứ giải pháp chính trị nào cho vấn đề Syria.
Ở đất nước này sau khi có được giải pháp chính trị, hoà bình có được bền vững hay không, hoà giải và hoà hợp dân tộc có được thành công hay không, an ninh và ổn định có được đảm bảo hay không đều phụ thuộc cả vào bốn đối tác ấy.
Vậy mà ông Erdogan chỉ mời có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Merkel tham dự lần cấp cao đầu tiên của khuôn khổ diễn đàn mới.
Thứ hai là thời điểm. Ông Erdogan tung ra ý tưởng này vào thời điểm chiến cục ở Syria đã được xác định, thời hậu chiến sắp bắt đầu và giải pháp chính trị hoà bình cho thời hậu chiến tranh và khủng hoảng trở nên ngày càng cần thiết và cấp thiết hơn.
Cả hai khuôn khổ diễn đàn nói trên vẫn được duy trì nhưng dường như đã đến những giới hạn mà chưa biết đến khi nào mới có thể vượt qua được. Trì trệ thì không phải nhưng bế tắc về đột phá quyết định mới.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cả Mỹ lẫn EU đều không được suôn sẻ.
Tuy cùng là thành viên NATO như nhau thật đấy nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ lại không hoàn toàn song trùng lợi ích ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có không ít lý do và bằng chứng để lo ngại và nghi ngại về Mỹ trong vấn đề Syria và liên quan đến cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Với Iran thì Thổ Nhĩ Kỳ đã có khuôn khổ diễn đàn ba bên Astana. Thông qua Đức và Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ có thể có được sự tham gia của EU.
Nga hiện đóng vai trò quyết định nhất đối với tương lai của Syria nên nếu không có sự tham gia của Nga thì khuôn khổ diễn đàn mới này chỉ là hình thức, có thể có "danh" nhưng chắc chắn không có "thực".
Thứ ba là địa điểm. Hội nghị diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở nơi ngay cạnh Syria và tại quốc gia có can dự quân sự trực tiếp vào chiến sự ở Syria. Điều này tạo cảm nhận là khuôn khổ diễn đàn này rất thiết thực và sát thực.
Ông Erdogan muốn gây dựng vai trò kiến tạo to lớn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Syria và ảnh hưởng lớn hơn ở Syria cũng như ở khu vực ở thời hậu loạn.
Ông Erdogan muốn đề cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong chính sách của Mỹ và EU.
Thêm khuôn khổ diễn đàn mới có nghĩa là thêm nỗ lực mới, cách tiếp cận mới và mở ra cơ hội thành công mới. Điều này rất hay và đáng khích lệ. Nhưng đồng thời cũng lại phải thấy có thêm là có nhiều hơn, nguy cơ chồng chéo và lấn sân nhau, thậm chí ganh đua và triệt phá lẫn nhau cũng tăng.
Chẳng phải ở Phương Tây có câu châm ngôn "Nhiều đầu bếp làm hỏng món ăn" và ở Phương Đông có câu ngạn ngữ "Lắm thầy nhiều ma, nhiều cha con khó lấy chồng" đó sao ?
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.