Thổ Nhĩ Kỳ dọa trì hoãn việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan

Mai Trang |

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẵn sàng trì hoãn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong hơn 1 năm trừ khi nhận được sự đảm bảo thỏa đáng rằng hai quốc gia Bắc Âu sẽ hỗ trợ chống khủng bố.

Akif Cagatay Kilic, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Akif Cagatay Kilic, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Ngày 14/6, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, đơn xin gia nhập NATO của nước này và Thụy Điển có thể bị đình trệ nếu vấn đề không được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới vào ngày 29/6 tại Madrid.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ coi 2 quốc gia này là “nhà khách cho những tổ chức khủng bố” do họ chứa chấp các thành viên của nhóm người Kurd, như Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara cho là bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối quyết định cấm xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển và Phần Lan sau khi nước này triển khai hoạt động quân sự tại Syria năm 2019.

"Đây là một vấn đề quan trọng của lợi ích quốc gia và chúng tôi chuẩn bị ngăn chặn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian một năm nếu cần thiết. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai ở NATO và đã cung cấp nhiều máy bay không người lái để giúp Ukraine tự vệ. Chúng tôi xứng đáng nhận được sự tôn trọng lớn hơn", Akif Cagatay Kilic, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

Trong chuyến thăm Thụy Điển hôm 14/6, Thủ tướng Phần Lan cảnh báo: “Nếu chúng tôi không giải quyết những vấn đề này trước hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, có nguy cơ đơn xin gia nhập NATO sẽ bị đình trệ. Chúng tôi không biết thời gian sẽ là bao lâu nhưng nó có thể bị trì hoãn trong một khoảng thời gian”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ca ngợi những nỗ lực của Thụy Điển trong việc giải quyết các lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng dường như nhận ra rằng các kế hoạch trở thành thành viên nhanh chóng có thể đang biến mất.

Tuần trước, Thụy Điển cố gắng xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách công bố báo cáo về chính sách đối ngoại, nêu rõ sự cần thiết phải chống lại chủ nghĩa khủng bố và mở đường để tiếp tục xuất khẩu vũ khí cho Ankara.

Phần Lan có ít vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với Thụy Điển, song cho biết họ không có khả năng thúc đẩy yêu cầu gia nhập NATO nếu không có Stockholm.

Trước đó, ông Stoltenberg cho biết, Thụy Điển đã thực hiện các bước quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để có thể nhận được sự chấp thuận từ Ankara đối với đơn xin gia nhập NATO của Stockholm.

“Tôi hoan nghênh việc Thụy Điển đã bắt đầu thay đổi luật chống khủng bố và họ cũng đảm bảo sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý về xuất khẩu vũ khí phù hợp với những cam kết của một thành viên NATO với các đồng minh. Đây là hai bước quan trọng để giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra”, Tổng thư ký NATO nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại