Thổ Nhĩ Kỳ dọa rút khỏi thỏa thuận nhập cư với EU

Hồng Anh |

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/3 tuyên bố đã đến lúc nước này “cần xem xét lại” thỏa thuận với EU về hạn chế dòng người di cư nước ngoài kéo tới đây.

Động thái này được cho là sự đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ đối với căng thẳng hiện nay giữa nước này với nhiều nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 3/2016, ngược lại khối này đã “không giữ lời hứa”.

Theo ông Celik, EU rõ ràng không muốn áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận nói trên. Do đó, không có bất kỳ lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục duy trì “thỏa thuận suông” này với EU.

Ông nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện mọi công việc theo điều khoản trong thỏa thuận nhưng Liên minh Châu Âu lại không giữ đúng lời hứa. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ không có trách nhiệm tiếp tục thực hiện thỏa thuận và có thể xem xét, đánh giá lại bất cứ khi nào cần thiết.”

Cảnh báo đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU đang lún sâu vào “vòng xoáy” chỉ trích lẫn nhau sau khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước này để vận động chính trị, kêu gọi người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới.

Căng thẳng leo thang đến mức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan, đe dọa áp đặt trừng phạt và đưa vụ việc ra trước Tòa án nhân quyền châu Âu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã chỉ trích các phát biểu của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khi so sánh các nước thành viên EU là Đức và Hà Lan với Phát xít. Các quan chức EU cho rằng, cáo buộc của Thổ Nhỹ Kỳ là “hoàn toàn xa rời thực tế” và không phù hợp với mong muốn gia nhập liên minh châu Âu của Ankara.

“Tôi cảm thấy bị sốc trước những phát ngôn của Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia khác” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nêu rõ. “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự so sánh giữa phát xít với các chính phủ hiện nay.”

Ông Juncker cũng cho rằng những bình luận này sẽ chỉ càng tạo khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn trở thành thành viên của liên minh này.

Trong một diễn biến liên quan, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/3 bác bỏ yêu cầu thả phóng viên tờ Thế giới của Đức Deniz Yucel bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng trước với cáo buộc liên quan đến khủng bố. Tòa cho rằng tiêu đề, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu trong các bài viết của ông vượt ra ngoài giới hạn cho phép.

Ông Deniz Yucel bị bắt từ hôm 18/2 sau khi đưa tin về một cuộc tấn công mạng nhằm vào hòm thư điện tử cá nhân của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể Tổng thống Erdogan.

Đây là phóng viên Đức đầu tiên bị bắt giữ trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 năm ngoái.

Đức liên tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối xử công bằng và trả tự do cho nhà báo này đồng thời khẳng định lời cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ về việc ông này làm gián điệp cho Đức là “vô căn cứ”.

Giới quan sát đánh giá, mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ và một số thành viên của EU chỉ là một sự cố ngoại giao nhỏ nhưng lại diễn ra trong thời điểm rất bất thường.

Châu Âu hiện đang trải qua thời kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất định sau khi Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang lên cao ở những quốc gia sắp tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng - những sự kiện hoàn toàn có thể dẫn tới việc các chính trị gia cánh hữu lên nắm quyền, đe dọa đến sự tồn vong của EU./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại