Thơ Nguyễn: Đừng bắt trẻ em “nhìn đời” bằng con mắt của người lớn

thinga |

Người lớn không nghe nổi cái giọng choe chóe của em nên họ không hiểu khi xem hết clip các con sẽ học được điều gì…

Có thể coi Thơ Nguyễn là một trong những hiện tượng mạng xã hội gây tranh cãi lớn nhất, thời gian kéo dài nhất trong các gia đình gia đình có con nhỏ, đặc biệt là các em lứa tuổi tiểu học. Đó là khi trẻ con thì say sưa, coi như thần tượng còn bố mẹ thì nghĩ cần hạn chế, thậm chí có những cảnh báo.

Lựa chọn một góc nhìn để đánh giá khách quan không hề dễ dàng, vì bao giờ cũng vậy, mọi ông bố bà mẹ luôn nghĩ đứa trẻ của mình thật bé bỏng, trong khi phần lớn bọn trẻ con thường than phiền: "bố mẹ cứ bắt con làm theo ý mình". Để có được góc nhìn đa chiều nhất, chúng tôi đã thực hiện một cuộc đối thoại "có một không hai" với Thơ Nguyễn, nhìn trực diện vào các vấn đề mà dư luận quan tâm, không ngại đặt những câu hỏi "nhạy cảm" nhất, đồng thời khai thác ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn của Youtuber này… Để độc giả có thêm lựa chọn khi mở hoặc tắt kênh Youtube Thơ Nguyễn cho con.

Cuộc đối thoại đặc biệt ở chỗ, 2 người phỏng vấn là 2 nhà báo, cũng đồng thời là 2 KOLs trên mạng xã hội trong suốt 1 thập kỷ qua, đó là nhà báo Đức Hoàng (Hoàng hối hận) và Hoàng Minh Trí (Cu Trí).

Thơ Nguyễn: Đừng bắt trẻ em “nhìn đời” bằng con mắt của người lớn - Ảnh 1.

Em biết ơn những biến cố cuộc đời

Minh Trí: Trải qua biến cố, đã có lúc em đóng cửa kênh Youtube một thời gian. Em cảm thấy thế nào khi đối mặt giai đoạn khó khăn đó?

Thơ Nguyễn: Ai cũng sẽ học được một bài học nào đó, đến đúng vào lúc nó cần.

Em đã lên tiếng giải thích trên Youtube cũng như trả lời trên báo chí. Có những hiểu lầm từ bên ngoài và có cả lý do chủ quan của bản thân khiến mọi việc đi xa hơn thông thường.

Khi thay đổi góc nhìn thì cách đánh giá sẽ khác nhau nên em cũng rút kinh nghiệm cho bản thân mình để tránh lặp lại những chuyện tương tự.

Thật khó để đòi hỏi người khác hiểu mình ngay lập tức. Như em trước kia cũng từng vội vàng đánh giá những người nhận xét sai về mình, sau đó nghĩ lại, em thấy bản thân mình cũng như mọi người vậy.

Giờ nhìn lại, em thấy biến cố xảy ra đúng vào lúc em có đầy đủ mọi thứ, em đang ở trên đỉnh cao. Nó không đến vào lúc đó thì còn đến vào lúc nào nữa! (Cười) Nếu em hết thời thì em đâu còn cơ hội thay đổi tư duy của bản thân mình, thay đổi con người em và giúp mang đến những điều tốt đẹp hơn.

Minh Trí: Vậy điều gì đã khiến em quyết định quay trở lại?

Thơ Nguyễn: Lúc đó em muốn nghỉ ngơi. Em có một trang trại nhỏ, em đã trồng cây và nuôi con vật để sống bình yêu, yêu thiên nhiên như em muốn.

Em đã chuẩn bị mọi thứ để mình nghỉ ngơi và làm điều mình thích rồi có nhiều điều khiến em tiếp tục: Nghỉ với em bây giờ thì dễ, nhưng mà nghỉ khi còn sức khoẻ, còn trí tuệ là một sự lười nhác. Có biết bao người không đủ sức khoẻ để lao động, vậy nếu mình nghỉ có phải mình đang quá ích kỉ?

Tới một ngày cháu em nói: Cô ơi, hôm nay con xém đánh nhau với bạn vì bạn con nói dối, bạn nói cô đi tù.

Lúc đó em khóc nhiều, em biết có nhiều bé giống như cháu em, rất buồn lòng. Em cảm nhận được nỗi buồn của nhiều em nhỏ (Fan của Thơ Nguyễn – PV) khi em bị sự cố. Mà sự cố về video Kumathon đó, em nhận lỗi là em sai trong cách thể hiện khiến người hiểu lầm. Trong video em đã không nói ngay từ đầu việc em phản đối Kumathon mà phải đến đoạn cuối em mới khuyên các em chỉ nên tin vào nỗ lực của bản thân mình, không nên tin vào những thứ cầu may khác. Lỗi của em là đã khiến nhiều người lầm tưởng là em cổ xúy cho việc xin vía Kumathon. Thế nên việc em bị xử phạt là đúng, vì em đã gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc đó. Sau việc này, em cũng rút ra được rất nhiều bài học cho mình trong cách thể hiện và đăng tải video.

Sau sự cố này, như các anh đã biết phải mất một thời gian em mới quay trở lại. Em không muốn các bé thất vọng vì nghĩ người mình yêu quý làm điều xấu. Vì thế, em rất muốn chia sẻ với các bé tinh thần lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp, không tranh luận về các việc đó nữa, mà hãy biết ơn vì nó giúp ta trưởng thành.

Em sẽ chia tay sự nghiệp khi mà không ai cần em nữa. Sai thì sửa, hoàn thiện mình là chặng đường dài, mình tích cực là được.

Em quay trở lại để chứng minh cho các bé rằng, dù sóng gió như thế nào thì cũng phải vượt qua và hạnh phúc Em muốn dạy cho các bé mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn.

Đức Hoàng: Mọi người đều giống nhau ở chỗ ai cũng có những vấp ngã hoặc sai lầm, chỉ khác nhau ở cách đứng lên mà thôi. Em thay đổi góc nhìn thế nào sau biến cố của mình?

Thơ Nguyễn: Lúc đó, em thấy rằng những người yêu quý em chiếm khoảng 10%, còn người không yêu quý em chiếm 90%. Nhưng cuối cùng, cả 100% đều quan tâm tới em và sản phẩm của em.

Nó đã tạo thành một làn sóng dữ dội nên cả những người trước đó chưa quan tâm đến em, những người ghét em đều bắt đầu quan tâm hết thảy. Và vấn đề quan trọng của em là sẽ làm gì tiếp theo chứ không phải ngồi đấy than khóc nữa.

Em nghĩ cuộc sống đôi khi giống như em đối diện với các tấm gương cầu lồi xung quanh em. Em làm gì ngay lập tức nó phóng đại trước mắt em. Vậy thì tại sao mình đưa ra việc xấu làm gì để nó phóng đại lên rồi chính nó ập trở lại bản thân mình?

Khi tất cả mọi người đều nói mình sai thì bản thân cũng phải xem lại. Em biết ơn những người đã đem đến cho em bài học vào đúng lúc em cần nhất.

Em không hoàn hảo. Những gì xảy ra đều có lý do của nó và em cảm thấy rất biết hơn những biến cố của mình. Đến bây giờ em vẫn nói với mọi người thế. Có thể em đã bị trầy da, tróc vẩy nhưng bù lại, ngày hôm nay em thấy hạnh phúc hơn.

"Em không hoàn hảo, em cũng có rất nhiều thiếu sót, sau mỗi scandal em thấy biết ơn tất cả các anh chị đã giúp em nhận ra nhiều điều và cố gắng để hoàn thiện bản thân và sống có ích hơn".

Đối với trẻ em, điều gì là quan trọng nhất?

Đức Hoàng: Trong thời buổi hiện nay, tôi nghĩ YouTube, hay TikTok đang là một thứ tiện lợi cho nhiều bậc cha mẹ. Nhưng tiện chưa chắc đã là tốt. Chúng ta, như hàng bao nhiêu thế hệ trong lịch sử, lớn lên làm gì có nội dung video. Vậy điều gì khiến Thơ Nguyễn nghĩ rằng, những clip của em tốt cho bọn trẻ?

Thơ Nguyễn: Mỗi thời mỗi khác, em không lấy chuẩn mực của thời em áp lên các bé vì xã hội càng phát triển.

Một lần em đi sự kiện ở Nam Định, khoảng năm 2019, em có gặp bé Trần Anh Thư bị liệt chân. Ba mẹ bé đẩy xe lăn tới, em thấy thương bé nên khóc. Bé dỗ em, nói: "Nhờ có clip của chị em rất vui, hôm nay được gặp chị em cũng rất vui". Tự nhiên em khóc thật to, và giờ kể lại em cũng vẫn khóc.

Với em Youtube tạo ra nhiều cơ hội cho biết bao đứa trẻ vơi bớt cô đơn trong thời đại này. Không chỉ có bé Anh Thư, mà có bao nhiêu lý do khác khiến một đứa trẻ không còn được chạy nhảy như thời của anh em mình nữa.

Xã hội ngày càng tất bật. Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian tương tác với con. Đặc biệt là các bé thành phố sẽ khác rất nhiều các bé nông thôn, ít chỗ chơi, bố mẹ cũng đi làm cả ngày, tối mệt không có sức lực chơi với con. Bản thân em thấy các bạn rất cô đơn, nên em muốn là người bạn của các bạn.

Đức Hoàng: Hình như chính Thơ cũng đang mô tả việc cho trẻ xem YouTube như một "giải pháp tình thế" cho nhịp sống ngày nay?

Thơ Nguyễn: Em cho rằng dù các bé chơi ở đâu, làm gì thì cũng cần theo dõi và kiểm soát. Cháu em sống chủ yếu với em, như một người mẹ. Em chứng kiến cả hành trình bé lớn, nay bé 16 tuổi rồi. Hồi nhỏ, dù bé có ra ngoài chơi với bạn hay ở nhà thì em cũng ngó tới. Bé xem gì trên YouTube em vẫn để tâm dù đang làm việc em vẫn để tâm và can thiệp kịp thời. Ấy thế mà lớn một chút bé ra ngoài chơi với bạn và học nói tục.

Em tự thấy can thiệp kiểm soát việc xem gì, thời gian như thế nào đôi khi dễ hơn kiểm soát bé khi bé đi chơi.

Trẻ em cũng có khả năng chọn lọc khá tốt, nếu như bố mẹ chịu khó bên cạnh xem cùng, hướng dẫn con trong thời gian đầu. Nhưng có rất nhiều bố mẹ do một ngày đi làm quá mệt rồi nên không đủ kiên nhẫn xem với các bé. Tới khi bé học từ bên nào đó thì ngay lập tức đổ cho kênh các bé hay xem. Em cũng bị oan vài lần như vậy rồi.

Còn có thể em nói ra điều này, các anh và mọi người có thể nghĩ là em "diễn", vì em cũng là Youtuber mà Youtuber nào cả cần View cao. Nhưng thật lòng, niềm hạnh phúc lớn nhất của em lại là mong muốn tất cả các em được vui chơi bên gia đình. Em thích nhất là nhìn thấy cảnh các em được chảy nhảy, nô đùa thay vì việc phải tìm đến cái điện thoại hay ngồi trước tivi.

Nhưng mà với thực tại hiện nay, quá nhiều em phải tìm niềm vui trên Youtube thì em sẽ cố gắng tạo ra các sản phẩm tốt cho các bạn xem.

"Điều quan trọng nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần học chính là tình yêu thương và lòng biết ơn".

Thơ Nguyễn: Đừng bắt trẻ em “nhìn đời” bằng con mắt của người lớn - Ảnh 2.

Đức Hoàng: Tôi phải thú thật, là 15 năm sống trong ngành truyền thông, xuất bản, tôi bị tâm lý giống bà bán rau không dám cho con ăn rau, bà bán thịt không muốn cho con ăn thịt. Các nền tảng nội dung ngày nay thúc ép người ta phải sử dụng đủ chiêu thức nếu muốn tồn tại. Thơ nói gì để tôi tin rằng một YouTuber thực sự hành động vì lợi ích của con tôi?

Thơ Nguyễn: Tiền thì em nghĩ rằng ai cũng cần, nhưng không thể cần tiền mà làm những điều sai trái được. Em tự nhận mình có lối sống đơn giản và luôn thấy mình không cần nhiều tiền.

Chắc anh cũng biết, làm sản phẩm cho trẻ em thì không được nhiều tiền như sản phẩm cho người lớn. Chỉ bằng một phần năm, hay thậm chí là bằng một phần mười. Cơ chế của Youtube là vậy.

Nhưng em không mong người lớn vào xem clip của em dù nếu người lớn xem em sẽ có nhiều tiền hơn. Sản phẩm của em làm cho các bé. Chất giọng, lối diễn, nội dung đều làm cho các bé, và phù hợp với các bé nên nếu người lớn xem em sẽ nhận không ít gạch đá vì theo người lớn là lố.

Điều cốt lõi của cuộc sống mỗi người là mình làm được điều gì có ích chứ không phải là mình có nhiều tiền.

Em hay dạy cháu em: Xã hội không có sự phân biệt giàu nghèo, chỉ phân biệt người xấu và người tốt. Em muốn thành người có ích để cháu em tự hào. Em muốn mang đến niềm hạnh phúc cho các bé xem em.

Minh Trí: Tự nhận mình là hiểu trẻ em nhất, vậy em nghĩ trẻ em cần học điều gì nhất để trở thành một đứa trẻ hạnh phúc?

Thơ Nguyễn: Từ bản thân cuộc sống của em, em thấy điều quan trọng nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần học chính là tình yêu thương và lòng biết ơn.

Em có một tuổi thơ cực kỳ dội. Sau khi bố em mất, mẹ em bị sốc không biết phải xoay xở thế nào với mấy đứa con thơ. Có lúc nghĩ dại, mẹ em đã từng muốn cả nhà uống thuốc sâu để kết thúc cuộc đời. Thật may vì chuyện đó không xảy ra. Bọn em đã phải rất nỗ lực hơn những người khác rất nhiều chỉ để có được cuộc sống bình thường.

Rất may, em đã được nuôi dưỡng trong tình yêu thương. Bố em mất nhưng em lại có một người khác để yêu thương, để cho em có một cuộc sống tốt hơn.

Đó là chú hàng xóm làm kiểm lâm. Bố mất sớm nên chú thường xuyên dạy dỗ như một người cha. Lý do là vì bố em từng cấp cứu cho chú ấy một lần bị tai nạn. Sau đó chú ấy luôn nghĩ là chú ấy mang nợ bố em, muốn trả ơn gia đình em. Em rất thân thiết với chú em, đến mức chú sợ em buồn nên không quen ai. Mãi cho tới khi chú ấy 40 tuổi, em đi học Đại học thì chú ấy mới lấy vợ.

Công việc của chú bảo vệ rừng, là người chăm sóc, bảo vệ cây cối nên dạy em rất nhiều thứ. Em đã học được tình yêu thương xuất phát từ bản thân mình và sẽ định hình nên con người mình. Còn lòng biết ơn sẽ giúp mình trưởng thành, có trách nhiệm với những người xung quanh và cả thế giới này nữa.

Minh Trí: Hoàn cảnh của em đặc biệt, nhưng giới trẻ bây giờ khác nhiều. Bọn trẻ có đầy đủ mọi thứ, được đáp ứng ngay tức thì. Vậy làm thế nào để giáo dục được bọn trẻ về tình thương và lòng biết ơn như em nói?

Thơ Nguyễn: Em luôn tin là mình có thể giáo dục được tụi nhỏ. 5 người cũng được, 10 người cũng được, đó là lý tưởng của em. Bởi vì em là người kết nối, em gần gũi với tụi nhỏ nhất. Em có thể tiếp cận được nhiều trẻ em nhất, dạy chúng không sân si, luôn biết ơn với mọi người xung quanh.

Nhiều clip của em em có nói với các em nhỏ: Các em phải biết ơn bố mẹ, biết ơn thầy cô.

Như ngay cả clip 24 giờ ở bãi rác, em ngồi 24 giờ ở bãi rác nhưng em không dạy trẻ em ra bãi rác ở như một số trang mạng giật tít. Ai xem hết sẽ thấy rằng, em nói về vấn đề môi trường, em nói biết ơn những cô chú đi nhặt các chai nhựa ở trong bãi rác bởi vì họ đã phải chịu những cảm giác rất khủng khiếp nên chúng ta nên hạn chế xả rác, tái sử dụng những thứ còn dùng được.

Các em nhỏ coi nên đều hiểu vấn đề. Người lớn chỉ xem lướt và đọc báo nên không hiểu, cộng với giọng em cứ choe chóe nên có định kiến là em làm lố, coi video của em sẽ không học được gì. Em thì nghĩ không nên bắt trẻ em "nhìn đời" bằng con mắt của người lớn.

Minh Trí: Đấy có phải là một trong những lý do khiến em đồng hành cùng chương trình Làm việc tốt trên nền tảng Youtube?

Thơ Nguyễn: Em được rất nhiều nhãn hàng mời tài trợ nhưng em chỉ chọn làm những chương trình mà nội dung thực sự có giá trị với bọn trẻ. Em lấy bọn trẻ làm trung tâm, sau đó mới là những thứ khác.

Có những buổi ghi hình em phải làm việc liên tục 26 tiếng nhưng vẫn thấy rất vui. Chương trình được đầu tư chất lượng, tâm huyết và nó đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều trẻ em làm việc tốt, có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng.

"Làm sản phẩm cho trẻ em thì không được nhiều tiền như sản phẩm cho người lớn. Chỉ bằng một phần năm, hay thậm chí là bằng một phần mười..."

Em không mong người lớn vào xem clip của em dù nếu người lớn xem em sẽ có nhiều tiền hơn. Sản phẩm của em làm cho các bé.

Thơ Nguyễn: Đừng bắt trẻ em “nhìn đời” bằng con mắt của người lớn - Ảnh 3.

Em đã biến đổi thành một con người mới

Minh Trí: Làm thế nào để em biết rằng cái mình đang làm là tốt trong khi có quá nhiều tiêu chí để đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội? Nhất là khi thẳng thắn mà nói rằng, Thơ không phải chuyên gia giáo dục?

Thơ Nguyễn: Duyên cớ bắt đầu làm Youtube của em hết sức tình cờ, chị em mở "nhóm trẻ" và em rất hay về đấy "dạy". Nói là dạy chứ thực ra là xin được chơi với các bạn nhỏ. Chị em nhận ra và nói: "Thơ giỏi, mỗi khi Thơ nói các bạn nhỏ nghe hơn cả những cô giáo khác’’.

Các bạn nhỏ trên lớp bày lại em rất nhiều trò chơi mới, em hỏi sao các con biết thì các bé nói là xem từ "du tu be". Hồi đó YouTube không thịnh hành như bây giờ. Sau khi em về xem thì em thấy việc các bạn xem các sản phẩm trên YouTube là một điều tất yếu, nên em thay vì chỉ muốn dạy các bạn nhỏ trong lớp mà muốn cho nhiều bạn hơn được vui vẻ với những nội dung mình truyền tải, nên em quyết định làm clip.

Có rất nhiều người làm Youtube, nhưng để tồn tại được lâu như em thì không phải ai cũng làm được.

Cuộc sống chọn lọc rất gắt gao, sau gần 6 năm em tự hào rằng mình không phải là hiện tượng mà mình có giá trị thật thì xã hội mới không đào thải mà chỉ là "dạy dỗ" để em tốt hơn mà thôi.

Sau 6 năm làm clip, em thấy những video của mình hữu ích, có bé biết nấu ăn vì em dạy, có bé may được đồ búp bê, có bé biết làm thiệp tặng mẹ. Em hay đọc bình luận của các bé, các bé khoe vậy khiến em rất tự hào vì em là người có ích.

Đức Hoàng: Trẻ em ảnh hưởng rất lớn từ thần tượng của mình. Em là một trong những người có lượng fan trẻ em đông đảo nhất. Em nói mình đã thay đổi sau những biến cố, vậy em định sẽ mang lại điều gì cho các bé, những fan của em, hàng ngày xem và học theo em?

Thơ Nguyễn: Em chỉ có tấm lòng yêu thương các bé như cháu em, và khao khát cháy bỏng là được cống hiến, được là điều có ích. Em hướng các bé đến lối sống sống có ích, yêu thương, tha thứ và biết ơn.

Nếu mình uống nước mình thấy biết ơn nước thì mình sẽ bảo vệ nguồn nước.

Nếu mình thức dậy mỗi sáng mình sẽ cảm ơn thiên nhiên tuyệt vời cho mình không khí để thở, đồ ăn để sống và mình sẽ bảo vệ thiên nhiên để trả nợ cho những gì mình đã vay mượn.

Mình chia sẻ cho ai đó thứ gì đó thì mình biết ơn họ đã cho mình cơ hội thành người có ích. Mình là người có ích thì mình thấy tự hào, thấy hạnh phúc.

Trẻ em làm việc nhà không phải vì trách nhiệm mà vì tình yêu thuơng với ba mẹ, lòng biết ơn và cảm ơn ba mẹ đã giao việc cho con để con thấy mình có giá trị và con thể hiện được tình yêu với ba mẹ.

Em biết ơn những bạn nhỏ, đã cho em cuộc sống và niềm vui ngày hôm nay. Và đó là lý do em luôn biết rằng mình đang làm gì, phải làm gì cho các bạn.

Minh Trí: Nhìn lại, nếu có điều gì đó em thấy nuối tiếc trong quá trình làm Youtube thì là gì?

Thơ Nguyễn: Em thấy tiếc vì có những lúc em muốn từ bỏ, em nghĩ là em có đủ tiền rồi, thay vì nghĩ tới mục tiêu lớn, sứ mệnh lớn của em.

Bên cạnh đó, nếu như em mạnh mẽ hơn trong việc giáo dục trẻ em hạnh phúc thì em đã làm tốt hơn. Thực ra em có dạy các bé hãy yêu bố mẹ, hãy yêu thầy cô đi nhưng nó chưa đủ mạnh mẽ.

Lúc đó em nghĩ em bị giáo dục nhiều rồi, trẻ em cũng bị "nhồi sọ" quá trời rồi. Nhưng sau biến cố xảy ra em nhận ra, giáo dục ở đây là dạy cho những đứa trẻ cách hạnh phúc, em muốn làm clip cho trẻ em hạnh phúc.

Ngay cả khi một ngày nào đó em dừng lại rồi thì nó vẫn mang lại giá trị cho các em.

"Mặc dù em làm nội dung trên mạng xã hội, nhưng hơn ai hết, em mong ba mẹ có nhiều thời gian tương tác với con cái hơn. Như vậy sẽ tốt hơn cho các bé".

Minh Trí: Dù gì đi nữa, thuyết phục được cả bố mẹ lẫn các con vẫn tốt hơn là phân ra 2 "chiến tuyến" trong gia đình. Em muốn gửi gắm điều gì tới cha mẹ của các bé? Và em có thể làm gì để thực hiện được cái mà em hướng tới là giúp các bé sống hạnh phúc hơn?

Thơ Nguyễn: Em có một "lớp học tình yêu" miễn phí ở Đắk Nông. Có khoảng 20 học sinh, các bé không khó khăn, lớp học cũng không dạy nhiều kiến thức mà em tạo môi trường cho các bé được tương tác với nhau, có bạn bè giống như lứa tuổi 9X tụi em. Khi đó các bé rất ít khi xem YouTube vì bản thân các bé thấy vui khi có bạn, có cô chơi cùng. Đó là một dự án tâm huyết của em.

Mặc dù em làm nội dung trên mạng xã hội, nhưng hơn ai hết, em mong ba mẹ có nhiều thời gian tương tác với con cái hơn. Như vậy sẽ tốt hơn cho các bé. Bởi đó là lúc các bé được thực hành những điều đã học được trên Youtube.

Em cảm ơn cuộc sống đã cho em được nổi tiếng, em cảm ơn các em nhỏ và phụ huynh đã yêu quý em, vậy nên em cố gắng tiếp tục để được trả ân tình cho mọi người.

Em đã gặp được nhiều phụ huynh nói: "Em ơi, lúc nào em làm clip em nói bé ăn nhiều nha, mỗi lần em nói bé nghe hơn chị nói nữa!". Em thấy vui lắm, em hay nói trong clip là: Các em nhớ ngoan giỏi nghe lời ba mẹ nhé, và em tin đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của em rồi.

Một thông điệp truyền ra từ một người như em sẽ tiếp cận được nhiều người hơn. Xã hội đã cho em điều đó và em tin đây chính là sứ mệnh của em. Em sẽ cố cho tới khi sứ mệnh đó không còn nữa.

Trân trọng cảm ơn em vì những chia sẻ thẳng thắn này!

Để các em nhỏ lựa chọn yêu thương và sống trọn hạnh phúc

"Gia đình nhí nhố" là tên bộ phim do Thơ Nguyễn làm biên kịch vừa được ra mắt trên nền tảng Youtube. Bộ phim xoay quanh câu chuyện hai người mẹ bị nhầm con, những khúc mắc và vấn đề nảy sinh sau khi hai người con được trả về đúng với người mẹ sinh ra mình.

"Gia đình nhí nhố" có 10 tập và mỗi tuần công chiếu 1 tập trên kênh Youtube của Thơ Nguyễn. Qua đó, Thơ Nguyễn muốn gửi gắm: Những đứa trẻ khi được dạy dỗ và lớn lên trong tình yêu thương sẽ có những năng lượng tích cực để các em dù tuổi nhỏ vẫn có sức mạnh cảm hóa cái xấu trong xã hội.

Được biết, dự án phim là một phần trong chiến lược hành động của chương trình "Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày" do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với thương hiệu Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) triển khai, nhằm lan tỏa những câu chuyện có tính giáo dục cao dành cho trẻ em thông qua hình thức phim giải trí mà các em yêu thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại