Thợ lặn bị nước xé toạc mặt nạ ở cửa hang Tham Luang

Hải Ngọc |

Là một trong số thợ lặn hang đầu tiên có mặt ở hiện trường, ông Ruengrit Changkwanyuen choáng váng vì lực nước tại cửa hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai – Thái Lan.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Thái Lan Piyasakol Sakolsatayadorn hôm 14-7 cho biết 12 cậu bé sẽ xuất viện vào ngày 19-7.

Trong video công bố tại buổi họp báo hôm 14-7, các em ngồi trên giường với vẻ khỏe mạnh và nói lời cảm ơn lực lượng cứu hộ. "Cháu đã khỏe rồi. Cảm ơn đã cứu cháu" – Note, một cậu bé 14 tuổi, nói.

Sau khi nhận ra thợ lặn của lực lượng SEAL Thái Lan không ứng phó được với môi trường lặn hang (cả kinh nghiệm và thiết bị của họ là dành cho lặn biển), giới chức chỉ huy chiến dịch cứu đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng chuyên gia lặn hang động trên thế giới.

Theo New York Times, giám đốc khu vực Thái Lan của hãng xe General Motors (Mỹ), ông Ruengrit Changkwanyuen, là một trong số các thợ lặn hang tình nguyện đầu tiên có mặt ở Tham Luang vào ngày 25-6 (đội bóng mất tích từ ngày 23-6).

Dù rất nhiều kinh nghiệm nhưng ông Ruengrit vẫn bị sốc khi lỡ lặn xuống trực diện với luồng nước nơi cửa hang, còn mặt nạ lặn của ông bị xé toạc. "Giống như bước vào bên dưới thác nước mạnh và cảm thấy nước quật thẳng vào bạn" – ông kể.

Thợ lặn bị nước xé toạc mặt nạ ở cửa hang Tham Luang - Ảnh 1.

Nhiều thợ lặn quốc tế đã nghĩ tới chuyện bỏ cuộc trong những ngày đầu "chiến đấu" với hang Tham Luang. Ảnh: Washington Post

Sự hung hãn của nước trong hoàn cảnh mưa lớn không ngừng khiến các thợ lặn quốc tế - đến từ Anh, Úc, Phần Lan, Trung Quốc, Mỹ... – lắc đầu. Họ không tài nào tìm được đường tiến vào hang và khuyên giới chức Thái từ bỏ cuộc tìm kiếm.

"Khi tôi đến, cửa hang trông như sông Colorado nhưng đầy bùn và có tầm nhìn bằng 0. Dòng nước trong hang thực sự rất mạnh. Ban đầu, chúng tôi tiến được khoảng 100 m/ngày, có nhiều đoạn bạn phải trèo lên và kéo theo toàn bộ bình dưỡng khí" - ông Ben Reymenants, chủ một công ty lặn ở Phuket, kể với trang Vox (Mỹ).

Chuyên gia lặn 45 tuổi người Bỉ này không hề ngần ngại khi gác lại công việc để đến hang Tham Luang. Nhưng cũng chính ông cùng các thợ lặn nước ngoài khác đến gặp một chỉ huy hải quân Thái Lan để khuyên họ bỏ cuộc. Nhưng chỉ huy kia không đồng ý: "Chúng tôi không thể nói với người dân Thái Lan rằng phải hủy bỏ tìm kiếm".

Thợ lặn bị nước xé toạc mặt nạ ở cửa hang Tham Luang - Ảnh 2.

Trong ngày 27-6, nước trong hang dâng lên rất nhanh, tương đương với việc ngập hết ngôi nhà chỉ trong vòng 10 phút. Ảnh: Washington Post

Phải đến ngày thứ ba kể từ ngày 23-6, tầm nhìn được cải thiện và dòng nước trong hang bớt dữ dội. Dù vậy, theo ông Reymenants, các thợ lặn của SEAL Thái vẫn không may mắn lắm. Họ bị nước cuốn xoay vòng và không tìm được lối vào.

Cuối cùng, lực lượng thợ lặn hỗn hợp tìm được cách. Họ chia thành nhiều nhóm, tiến vào hang theo hàng dọc. Nhóm đi trước mệt sẽ nghỉ ngơi, để nhóm sau tiến lên tiếp. Thế rồi mưa ngớt và họ chớp thời cơ tiến thật nhanh vào bên trong Tham Luang.

Phép lạ xảy ra, như cả thế giới điều biết, khi hai thợ lặn người Anh tìm thấy 12 cậu bé và huấn luyện viên ở một mô đất cao cách cửa hàng xấp xỉ 4 km. "Không thể tin được. Cả 13 người còn sống, không ai bị thương và tinh thần rất vững vàng. Nghe bọn trẻ nói: ‘Chúng cháu vui lắm. Hôm nay ngày mấy rồi?’ mà xem. Thật quá ấn tượng" – ông Reymenants nhấn mạnh.

Ngoài các thợ lặn trực tiếp vận chuyển, còn hơn 150 thành viên SEAL Thái giúp mở đường thoát.

Theo báo New York Times, tính tổng cộng có 10.000 người tham gia chiến dịch cứu hộ ở Thái Lan, bao gồm 2.000 binh sĩ, 200 thợ lặn và đại diện của hơn 100 cơ quan chính phủ các nước.

Việc đem bọn trẻ ra khỏi hang còn cam go hơn tìm ra chúng gấp bội. Cuối cùng, các thợ lặn vạch ra kế hoạch cho bọn trẻ mặc đồ lặn, đeo mặt nạ và "bó" chúng trong cáng để vận chuyển ra ngoài.

Ông Reymenants kể các thợ lặn phải đẩy, kéo và chuyền tay nhau những chiếc cáng theo đúng nghĩa đen. Ngoài ra, họ tận dụng hệ thống ròng rọc và sức nước để đẩy bọn trẻ đi trong làn nước lạnh thấu xương (các cậu bé được quấn chăn giữ nhiệt).

"Thực tế có tới 24 thợ lặn trong hang, chia thành nhiều nhóm và chuyển bọn trẻ qua hết nhóm này tới nhóm khác. Mỗi đứa trẻ mất tổng cộng 2 giờ để chuyển ra" – ông Reymenants giải thích. Các em được cho dùng thuốc an thần để chống hoảng loạn.

"Mảnh ghép quan trọng nhất của toàn bộ chiến dịch giải cứu là sự may mắn. Có rất nhiều bất trắc và tôi không dám tin mọi việc lại suôn sẻ đến thế" – thiếu tương Chalongchai Chaiyakham, phó chỉ huy Quân khu 3, thừa nhận.

Thợ lặn bị nước xé toạc mặt nạ ở cửa hang Tham Luang - Ảnh 4.

Suốt hành trình ra khỏi hang Tham Luang, các thợ lặn phải kéo, đẩy chiếc cáng "bó" các em dưới nước, đẩy bên trên các ống nước (để vượt qua những đoạn trơn), khiêng cáng (cần 8 thợ lặn cho mỗi em)... Đồ họa: New York Times

Thợ lặn bị nước xé toạc mặt nạ ở cửa hang Tham Luang - Ảnh 5.

... Ngoài ra, họ tận dụng hệ thống ròng rọc hoặc chia thành nhiều nhóm để chuyền tay khiêng cáng ra. Ở những nơi nước sâu, cáng được đặt trên bè, còn thợ lặn ở bên dưới đẩy đi. Đồ họa: New York Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại