Câu chuyện của "những cỗ xe tăng biết nghĩ"
Think tank là các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách cho các vấn đề trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng - định nghĩa của Chương trình think tank và xã hội dân sự (TTCSP) của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ (2018). Think tank có thể là một tổ chức gắn liền với các đảng chính trị, là một cơ quan thuộc chính phủ, các tập đoàn kinh tế hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Về nguồn gốc, thuật ngữ think tank lần đầu tiên được sử dụng như một thuật ngữ quân sự trong Thế chiến thứ II. Khi đó, nó dùng để chỉ một nơi an toàn để thảo luận các kế hoạch và chiến lược. Trong tiếng Anh, think có nghĩa là suy nghĩ, còn tank có nghĩa là xe tăng.
Theo tờ The economist, cụm từ "think tank" trở nên phổ biến vào những năm 50 của thế kỷ trước. Tới đầu thế kỷ 20, nhiều think tank đáng kính nhất của nước Mỹ ra đời, bao gồm Viện Brookings và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace).
Tuy nhiên, think tank chỉ thật sự nở rộ vào nửa sau của thế kỷ 20. Các nghiên cứu viên tại Đại học Pennsylvania ước tính có khoảng 6.846 các viện, tổ chức như vậy trên toàn thế giới.
Mục tiêu của các think tank là kết nối giữa giới học thuật với các nhà làm chính sách. "Các học giả tiến hành các nghiên cứu có thẩm quyền, nhưng với tốc độ của ốc sên. Các nhà báo tạo ra những bản thảo đầu tiên về lịch sử với tốc độ nhanh, nhưng mỏng", The economist nhận xét.
Vậy một think tank tốt là sự kết hợp giữa nghiên cứu và báo chí, có nghĩa là tạo ra những báo cáo học thuật nghiêm ngặt và dễ tiếp cận, dễ hiểu như báo chí.
Khủng hoảng của think tank trên thế giới
Khi cạnh tranh gia tăng, các think tank trên thế giới đang định hình lại hướng tiếp cận của mình thành "fact tank" (tập trung vào thông tin hơn các khuyến nghị chính sách) hay "do tank" (đưa các khuyến nghị vào thực tiễn).
Đầu thế kỷ 20 và thế kỷ 21 tạo ra nhiều điều kiện giúp các think tank lớn mạnh và phát triển. Đầu tiên phải kể đến cuộc cách mạng thông tin và công nghệ, chấm dứt thời kỳ nhà nước độc quyền về thông tin. Bên cạnh đó, khi quy mô các nhà nước mở rộng, tính phức tạp của các vấn đề chính sách tăng lên thì nhu cầu đối với những khuyến nghị chính sách chất lượng cũng tăng theo.
Tuy nhiên, xu hướng những năm gần đây đã thay đổi. Các nhà nghiên cứu của Đại học Pennsylvania cũng cho biết năm 2014 lần đầu tiên chứng kiến số lượng think tank mới giảm trong suốt 30 năm trước đó. Tại nhiều nước trên thế giới, thái độ thù địch giữa giới chính trị với các think tank, các tổ chức NGO đang tăng lên.
Một lý do khác là các nhà tài trợ ngày nay ưa thích tài trợ cho các dự án cụ thể hơn các dự án nghiên cứu đơn thuần. Khi cạnh tranh gia tăng, các think tank trên thế giới đang định hình lại hướng tiếp cận của mình thành "fact tank" (tập trung vào thông tin hơn các khuyến nghị chính sách) hay "do tank" (đưa các khuyến nghị vào thực tiễn).
Giới học giả trên thế giới hiện đang đối mặt với khủng hoảng về uy tín. Ngày nay, dân chúng dường như mất lòng tin đối với các kiến thức học thuật mà nhà nghiên cứu đưa ra. Thay vào đó, những phát ngôn mang tính dân túy lại được ưa chuộng.
Trong vài năm trở lại đây, thế giới không hết ngỡ ngàng trước sự kiện Tổng thống Trump đắc cử cho đến Brexit hay thắng lợi của đảng cực hữu AfD tại Đức. Phải chăng các think tank đang mất dần tiếng nói?
Có một số nhân tố khiến cuộc khủng hoảng uy tín này bùng nổ. Các cáo buộc về sự thiếu minh bạch của think tank là một nguyên nhân, bởi những xung đột lợi ích (conflict of interest) có thể khiến các nghiên cứu giảm tính khách quan.
Hơn nữa, câu hỏi về tính độc lập của think tank cũng được đặt ra. Think tank đứng trước cáo buộc cho rằng các tổ chức này là phương tiện giúp các công ty vận động hành lang hay giúp các thế lực nước ngoài can thiệp vào các chính sách trong nước (Are think tanks facing a credibility crisis, On think tanks 2017 annual review).