Thế nhưng, đến nay, Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi, như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, thiết bị phát sóng 5G…, đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Tương lai sẽ là gì theo chia sẻ của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel?
- Trước khi Viettel bắt đầu bước chân vào lĩnh vực Nghiên cứu sản xuất (NCSX) thiết bị hạ tầng viễn thông, tại Việt Nam đã có nhiều người nghĩ tới, thậm chí cũng thử sức nhưng đều thất bại. Vậy cá nhân ông có niềm tin là Viettel sẽ thành công không?
- Để NCSX thành công thì phải đảm bảo ít nhất 4 yếu tố. Thứ nhất là tiềm lực công nghệ, bao gồm cả tiềm lực con người làm công nghệ đó. Thứ hai, tài chính mạnh. Thứ ba là mối quan hệ sâu rộng với đối tác công nghệ tầm quốc tế. Thứ tư là thị trường.
Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam nghĩ đến việc làm NCSX nhưng thiếu 1, 2 yếu tố, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Vì vậy, đa số không thành công mà phải đi theo hướng lắp ráp gia công, hợp tác với nước ngoài. Họ không nắm công nghệ lõi, không nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện chủ chốt theo ý muốn của mình, ví dụ như con chip, chỉ làm theo đặt hàng của nước ngoài.
Còn Viettel có đủ các điều kiện nói trên. Đặc biệt, Viettel hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao là viễn thông công nghệ thông tin nên nguồn lực con người, hiểu biết về công nghệ thông tin rất tốt.
Sau quá trình làm cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính của chúng tôi đã mạnh lên, mối quan hệ với các đối tác nước ngoài rất nhiều, bao gồm cả các đối tác hợp tác dịch vụ và đối tác hợp tác về thiết bị viễn thông CNTT.
Việt Nam là đất nước trăm triệu dân, là thị trường nội địa tốt để nghiên cứu thiết bị dùng cho chính mình. Viettel đã đầu tư vào 10 quốc gia, sở hữu thị trường quốc tế đủ lớn, đủ rộng để tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.
Thực lòng, tôi thấy ở Việt Nam đến giờ phút này, chỉ có Viettel đầy đủ 4 yếu tố và đủ nguồn lực bước chân mạnh mẽ vào lĩnh vực NCSX. Khi đưa ra quyết định, ban lãnh đạo Viettel hoàn toàn tin tưởng sẽ thành công.
- Trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, các doanh nghiệp làm dịch vụ sẽ không được phép làm NCSX bởi vì Chính phủ lo ngại, nếu làm đồng thời, họ sẽ sử dụng thiết bị do chính họ sản xuất và có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, nếu vừa sản xuất vừa dùng thì có thể chất lượng không cao lắm vì tâm lý dễ thỏa mãn. Vậy làm thế nào để người Viettel tin rằng sẽ vượt qua được những lo ngại về sự công bằng hay "tự làm tự dùng"?
- Nó xuất phát từ một điều, đó là lợi ích quốc gia. Đây là điều mà Viettel luôn đặt ra cho mình.
Một, muốn trở thành đất nước phát triển thì Việt Nam phải làm chủ công nghệ lõi, hay trái tim và bộ não của thiết bị. Hai, vấn đề an ninh an toàn của quốc gia được đặt lên rất cao trong một thế giới rất nhiều bất ổn như thế này.
Chính vì thế, Viettel đã nhận trách nhiệm về mình, đảm bảo 2 điều. Một là khi chúng tôi bước chân vào thì phải làm chủ công nghệ lõi, thiết kế thiết bị theo đúng chuẩn, theo mục tiêu của mình. Hai là chỉ khi tự làm ra thì chúng tôi mới có hệ sinh thái sản phẩm đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia.
Thực tế, nếu chỉ tiếp tục cung cấp dịch vụ thì Viettel vẫn ổn, nhưng như vậy thì chúng tôi sẽ không thể vượt qua "cái bẫy thu nhập trung bình" được.
- Theo ông, khi làm NCSX, tố chất nào cần ở doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam?
- Tôi nghĩ, đó là khát vọng.
Nếu chúng ta tiếp tục đi sau thì mãi mãi sẽ đi sau. Thế giới trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đều đi sau và tụt hậu. Cho nên, trong cuộc cách mạng 4.0 này, mong muốn lớn nhất là chúng ta đi ngang bằng với thế giới. Những câu chuyện này đều xuất phát từ khát khao về sự hùng cường của đất nước.
Và ngoài khát khao thì cũng phải liều và có tiềm lực nữa. Chứ có khát vọng, và liều rồi, nhưng không có tiềm lực thì sẽ rất khó làm ở Việt Nam.
- Ông có thể kể một dự án mà hội đủ 3 yếu tố: khát vọng, liều và có tiềm lực, mà Viettel đã thực hiện?
- Ví dụ như khi làm 5G, chúng tôi rất phân vân. Có những doanh nghiệp đã bỏ ra đến 3 tỷ đô để nghiên cứu rồi mới bắt đầu bán được thiết bị. Viettel là một doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ cần bỏ ra 100 triệu đô để đầu tư mạo hiểm đã là rất khó.
Cho nên, khi làm 5G thì cũng phải liều thì mới làm được. Lúc đầu Ban Tổng Giám đốc thống nhất đầu tư 30 triệu đô, "xoay sở" trong số vốn đó, sau này thành công thì bổ sung thêm. Bây giờ khi nhìn vào 5G đã bắt đầu có thành quả thì có thể nhiều người nghĩ khác, nhưng lúc bắt đầu thì đâu giống như vậy.
- Nhìn lại những sản phẩm nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, đồng chí "tâm đắc" dự án nào nhất?
- Chắc mọi người đã nghe nhiều lần về hệ thống OCS (tính cước thời gian thực) của Viettel. Đó là một hệ thống được gọi là "trái tim của nhà mạng". Trước kia, Viettel phải mua của nước ngoài.
Lúc đầu hệ thống chạy ổn khi toàn dân dùng một gói cước. Nhưng khi người dùng đòi hỏi tính cá nhân cao hơn, sở thích tiêu dùng của các vùng miền, nghề nghiệp khác nhau, hệ thống tính cước của nước ngoài không đáp ứng được về tính linh hoạt, không chăm sóc được từng khách hàng như Viettel mong muốn.
Chúng tôi đã quyết định phải làm hệ thống của mình và đến giờ, tôi dám khẳng định, OCS của Viettel vượt mọi OCS trên thế giới. Hệ thống OCS của Viettel đang phục vụ 100 triệu khách hàng.
Đặc biệt, sắp tới, khi cung cấp dịch vụ mobile money, hệ thống OCS này có thể quản lý cả trăm triệu khách hàng một cách linh hoạt và đồng bộ trên một tài khoản viễn thông. Các nhà mạng khác (kể cả Việt Nam hay trên thế giới) đều không thể làm được điều này vì hệ thống tài khoản viễn thông và hệ thống ví điện tử để làm mobile money độc lập với nhau.
- Tuyên bố sứ mệnh "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số", việc phát triển các sản phẩm thiết bị hạ tầng viễn thông có phải là một giải pháp để thực hiện mục tiêu này?
- Nó mang 2 ý nghĩa. Quan trọng nhất khi chuyển đổi số là an ninh an toàn thông tin quốc gia. Chỉ khi nào chúng ta sở hữu một hệ sinh thái đầy đủ thiết bị IoT sensor của mình, camera của mình, server của mình… thì mới an toàn.
Việc thứ hai là bây giờ, sản xuất bất cứ cái gì cũng có thể đưa công nghệ số, lồng trí tuệ nhân tạo vào. Nếu đi mua thiết bị khác, khi cần một chức năng - giả sử như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu - mà đưa sản phẩm của mình vào rất khó. Cho nên chúng ta phải làm chủ.
Bên cạnh đó, khi mua từng thiết bị từ nước ngoài về, nối vào thành hệ thống thì chúng ta lại phải viết các phần mềm chống tin tặc, chống tấn công… Nếu thiết bị do chúng ta tự sản xuất thì ngay từ khâu sản xuất đã đồng bộ phần mềm chống tấn công.
- Dù mới bước chân vào lĩnh vực NCSX nhưng trong chiến lược phát triển đến năm 2025, Tập đoàn đặt ra mục tiêu dẫn đầu Việt Nam và top 5 thế giới về đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa các thiết bị hạ tầng viễn thông, trọng tâm là thiết bị 5G, IoT… Cơ sở nào để Viettel đặt ra mục tiêu lớn như vậy?
- Lúc ban đầu, thế giới bảo mật công nghệ sản xuất chip rất chặt, không thể tiếp cận. Nhưng khi cần phổ cập hơn thì nhiều công ty trên thế giới đã mở, đưa ra các nền tảng chung để các nước đều phát triển được. Điều đó giúp cho Viettel có nhiều cơ hội hơn để làm.
Hiện nay, trong lĩnh vực thiết bị hạ tầng viễn thông, chúng ta đã làm chủ mảng core, đưa được thiết bị vào chạy. Cuộc chiến ngành viễn thông giờ nằm ở thiết bị thu phát. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay Viettel dùng chip macro của 5G chạy cho mạng của mình.
Về tiến độ, tôi thấy hơi chậm một chút nhưng hoàn toàn tin tưởng đến năm 2025, các thiết bị 5G do Viettel sản xuất sẽ được sử dụng trong mạng của mình. Nhưng bài toán khi đó có thể là thế giới bắt đầu 6G rồi, nên đến năm 2023, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu 6G để chờ thời điểm ứng dụng ở năm 2028, 2030 chẳng hạn.
- Trong chiến lược phát triển kinh tế Make in Vietnam, chủ quyền công nghệ được nhấn mạnh cần đóng vai trò là mô hình kinh doanh để tất cả những người tham gia thị trường có thể đưa ra những quyết định độc lập và cạnh tranh công bằng. Viettel xác định tinh thần về chủ quyền công nghệ như thế nào trong việc phát triển các thiết bị hạ tầng viễn thông?
- Những doanh nghiệp NCSX trong ngành viễn thông phải làm theo chuẩn ITU vì doanh nghiệp sản xuất thiết bị và sản xuất đầu cuối là độc lập, phải có chuẩn để mua thiết bị đầu cuối của hãng nào thì khi lắp vào cũng chạy được ở mạng của mình. Tuy nhiên, vì an ninh, chúng ta phải có code riêng, mã hóa riêng. Đặc biệt, cái lõi phải "make in Vietnam", phải sản xuất ra con chip thì mới chính xác là thiết bị của mình.
Viettel đã sản xuất được các thiết bị nhưng phải hướng tới việc đăng ký sáng chế, đóng góp vào xây dựng chuẩn ITU. Trên thế giới, các hãng lớn nhất là các đơn vị đóng góp tiêu chuẩn, xây dựng nên ITU. Hiện nay Viettel đăng ký rất nhiều bản quyền rồi nhưng bước tiếp theo phải là nằm trong nhóm các đơn vị đóng góp cho chuẩn thế giới.
Tôi kỳ vọng đến năm 2023, trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel và ITU khi giới thiệu có tên Viettel đã đóng góp bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu tiêu chuẩn trong ITU. Năm 2022, Viettel sẽ có chip riêng tự làm.
- Trong chiến lược phát triển kinh tế Make in Vietnam, Chính phủ cũng nhấn mạnh xây dựng chuỗi công nghiệp. Viettel sẽ phát triển chuỗi công nghiệp của mình như thế nào và đóng góp vào chuỗi công nghiệp quốc gia ra sao?
- Trong chuỗi sản xuất thiết bị phục vụ cho hạ tầng viễn thông, CNTT, Viettel đã sản xuất nhiều thứ rồi, như: IoT, thiết bị thông minh, thậm chí robot, các thiết bị hạ tầng viễn thông kể cả trạm thu phát, hạ tầng điều khiển ở dưới… Ngoài ra, Viettel cũng tạo ra các nền tảng cho tất cả vấn đề chuyển đổi số.
Nói về chiến lược Make in Vietnam, Viettel tập trung hơn đến dân sinh, nền tảng tự động hóa sản xuất, tự động hóa nền nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục; còn ước mơ lớn như vũ trụ thì biết đâu, vài năm nữa người Viettel cũng sẽ làm…
Có thể một ngày nào đấy, người Viettel cũng ước mơ bay vào vũ trụ như Jeff Bezos và bắt tay sản xuất tàu vũ trụ.