Thương chiến với Mỹ cam go, TQ đối mặt thêm thách thức: Động lực 40 năm phát triển nay đã già

Minh Khôi |

Trung Quốc chuẩn bị chứng kiến làn sóng nghỉ hưu của các ông trùm doanh nghiệp, những người đã thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế và tạo ra tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Cha truyền nhưng con không nối

Những thay đổi ở tầng lớp kinh doanh "chóp bu" sẽ tác động mạnh mẽ đến tương lai của Trung Quốc, khi nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng tốc độ chuyển đổi từ sản xuất sang đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Các doanh nghiệp tư nhân, động lực phát triển kinh tế của Trung Quốc hầu hết đều thuộc sở hữu gia đình, chủ yếu là những ông lớn làm chủ đế chế trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa cải cách 40 năm trước.

Nhưng có vẻ như một kế hoạch cha truyền con nối rõ ràng hóa ra không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Một số người thừa kế thuộc thế hệ thứ 2, được giáo dục ở phương Tây, muốn chứng tỏ bản thân bằng cách mở ra các doanh nghiệp riêng hoặc nắm bắt các cơ hội khác.

Song Qinghui, nhà kinh tế trưởng của trung tâm nghiên cứu Qinghui, Thâm Quyến cho biết, sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân là rất quan trọng đối với sức khỏe và sự ổn định kinh tế của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua. Họ cũng đã tích lũy được một lượng lớn của cải. Chất lượng và thành công của sự kế thừa có thể quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ tới.

Các lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc không còn ở độ tuổi sung sức, phản ánh tổng thể dân số già tại nước này: cứ 3 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán đại lục thì có một người trên 55 tuổi; 15% trong số đó hơn 60 tuổi, theo dữ liệu của Shanghai Wind Information.

Tuy nhiên, rất ít trong số họ tìm được phương án tiếp theo.

Khủng hoảng người kế nhiệm

Theo một nghiên cứu của công ty kiểm toán PwC, trong số các doanh nghiệp gia đình đại lục được khảo sát, chỉ có 21% có kế hoạch kế nhiệm, thấp hơn 28 điểm % so với mức trung bình toàn cầu.

Một phần lý do là thế hệ thứ hai thấy các công ty mà họ đứng ra thừa kế có giá trị gia tăng thấp hơn các lĩnh vực khác như ngân hàng, đầu tư và công nghệ, cuộc khảo sát cho biết. Một số khác muốn trở thành động lực cho nền kinh tế mới.

Ví dụ như Jean Liu, con gái của Liu Chuanzhi, người sáng lập Lenovo. Thay vì thừa kế công việc kinh doanh của cha, cô đã đầu quân cho Goldman Sachs vào năm 2002, sau đó tham gia khởi nghiệp Didi Chuxing vào năm 2014 với tư cách là giám đốc điều hành.

Cũng phải kể đến Jack Ma, một ví dụ của việc chọn người ngoài để tiếp quản công ty.

Song cách này không tồn tại lâu trong các doanh nghiệp gia đình vì người ngoài thường ít được tin tưởng hơn thành viên trong gia đình.

Zhu Xinli, người sáng lập Tập đoàn sản xuất nước trái cây tư nhân lớn nhất Trung Quốc Huiyuan Juice Group, đã thuê một quản lý vào năm 2013 để kế nhiệm ông.

Nhưng một năm sau, người quản lý từ chức, Zhu trở lại, và hội đồng quản trị đã bổ nhiệm con gái của ông là Zhu Shengqin làm thành viên như bước đệm để tiếp quản việc kinh doanh.

Zhou Xiaoguang, người sáng lập ra nhà sản xuất trang sức NeoGlory Group, cũng đã từng thuê 3 giám đốc bên ngoài điều hành công ty, trước khi con trai bà tiếp quản lại cơ nghiệp vào năm 2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại