Công ty Dryad (Đức) vừa đưa vào sử dụng bộ cảm biến có khả năng phát hiện và cảnh báo cháy rừng sớm vượt trội so với các thiết bị đã có.
Theo kênh CNN , các hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng hiện nay thường dựa trên việc phát hiện khói bằng hình ảnh vệ tinh, camera trên mặt đất hoặc quan sát của con người. Tuy nhiên, các hệ thống này cảnh báo quá chậm khiến việc đối phó cháy rừng sau đó ít hiệu quả, tốn nhiều công sức, thậm chí nguy hiểm tính mạng người tham gia.
"Đám cháy đã phải rất lớn vào thời điểm khói bốc lên trên tán cây và có thể trông thấy từ khoảng cách 16 - 32 km. Vụ cháy có thể có diện tích tương đương nửa sân bóng. Từ khi phát hiện đến khi lính cứu hỏa đến nơi, vụ cháy có thể đã trở nên quá lớn nên khó dập tắt" - ông Carsten Brinkschulte, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Dryad, nhận định.
Cảm biến phát hiện và cảnh báo sớm cháy rừng của Dryad được gắn trên cây. Ảnh: Dryad
Để khắc phục hạn chế này, Dryad hướng đến việc giảm thời gian phát hiện cháy rừng. Nói cách khác, cần nhận biết ngay ở giai đoạn âm ỉ khi lửa chưa bùng phát, thường trong vòng 60 phút đầu tiên. Công ty thiết kế cảm biến chạy bằng năng lượng mặt trời gắn với một thiết bị dò khí.
"Cảm biến có thể phát hiện hydro, carbon monoxide và những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Về cơ bản, nó ngửi được lửa. Hãy coi nó như một chiếc mũi điện tử mà bạn gắn vào cây" - ông Brinkschulte giải thích.
Khi phát hiện đám cháy, cảm biến sẽ gửi tín hiệu qua mạng không dây bằng ăng-ten tích hợp. Tín hiệu được chuyển tiếp đến các thiết bị phức tạp hơn rồi truyền sang internet bằng vệ tinh và 4G. Cuối cùng, thông tin được gửi đến những người quản lý rừng.
"Chúng tôi cũng phát cảnh báo và có thể trao đổi trực tiếp với hệ thống công nghệ thông tin của đội cứu hỏa địa phương. Bạn sẽ nhận được cảnh báo với tọa độ GPS chính xác của cảm biến đã phát hiện cháy" - ông Brinkschulte cho hay.
"Mũi điện tử" của Dryad có giá khoảng 50 USD mỗi chiếc. Đến nay, công ty đã lắp đặt thử nghiệm 300 chiếc tại 12 vùng ở Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hàn Quốc và Ý.