Trong cuộc sống hiện đại, các chi phí hàng ngày là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là các chi phí về nước và điện. Số tiền phải trả hoàn toàn không phải là nhỏ, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, hóa đơn tiền điện hàng tháng không giải thích rõ cho chúng ta biết đâu là thứ tiêu tốn nhiều điện nhất trong một lô các thiết bị gia dụng trong nhà.
Trên thực tế, mỗi tháng, sẽ có một lượng điện tăng thêm, chính xác hơn là bị "đánh cắp" bởi một vài thiết bị gia dụng có vẻ bề ngoài khiêm tốn. Chúng được gọi là những "kẻ trộm cắp điện" tại nhà. Nếu bạn không để ý, qua thời gian, số tiền lãng phí có thể trở thành một con số không hề nhỏ. Vậy đâu mới là kẻ trộm dấu mặt? Đáp án, có thể chính bạn cũng không ngờ tới.
Vấn đề đầu tiên mà bạn cần biết là rất nhiều thiết bị vẫn tiêu thụ điện dù đang ở chế độ chờ. Và một sự thật là thiết bị nhỏ có thể tiêu thụ nhiều điện năng hơn thiết bị lớn. Do đó, đừng bao giờ nhìn vào kích cỡ của các thiết bị để dự đoán mức độ tiêu thụ điện của chúng, cả khi hoạt động thụ động lẫn chủ động.
Đầu tiên, các thiết bị gia dụng trong bếp như lò nướng, máy nướng bánh mỳ, siêu đun nước siêu tốc... không tiêu thụ điện ở chế độ chờ. Hay chúng chỉ tiêu tốn điện khi bạn nhấn nút kích hoạt các chế độ hoạt động.
Máy hút mùi trong nhà bếp, thường có công suất chờ là 2,2W.
Lò vi sóng có công suất chờ vào khoảng 1W.
Nồi cơm điện có công suất chờ vào khoảng 2,5W. Do đó, hãy nhớ rút phích cắm mỗi khi không sử dụng.
Máy vi tính có công suất ở chế độ ngủ (Sleep) là 3,7W, còn công suất chờ là 3,5W.
Còn máy tính xách tay, có công suất ở chế độ ngủ (Sleep) khoảng 2,5W, chế độ chờ khoảng 2,4W.
Các bộ định tuyến không dây thì có công suất khoảng 2,4 W khi khởi động.
Và cuối cùng chính là tên trộm điện lớn nhất, hộp giải mã tín hiệu TV hay set-top box. Chúng có công suất khởi động bình thường vào khoảng 6,8W và công suất chờ lên tới 6,6W.
Thậm chí trong các thử nghiệm, chúng ngốn điện ở chế độ chờ còn hơn cả TV hay điều hòa không khí. Bản thân set-top box không quá lớn cũng như hoạt động ồn ào, nhưng mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ của nó lại khá đáng kể.
Tất nhiên, nên rút phích cắm sau khi tắt nguồn của hầu hết các thiết bị điện tử gia dụng trong gia đình, vừa để tiết kiệm vừa hạn chế được các tai nạn cháy nổ, hỏng hóc có thể xảy ra do đoản mạch hay chập cháy.
Tham khảo Sina