Riêng ở Đại Tây Dương, tính đến tháng 10 này, tổng cộng đã có 13 cơn bão được đặt tên, gần gấp đôi năm ngoái khi chỉ có 7 cơn bão ở khu vực này.
Chỉ cách đây ít ngày thôi, bão Milton - siêu bão lớn nhất trong hơn 100 năm qua đã càn quét qua bang Florida của Mỹ. Lượng mưa ở thành phố St. Petersburg, bang Florida được nhận định là "nghìn năm có một", khi chỉ trong 3 tiếng tối 9/10, tương đương lượng mưa của 3 tháng.
Siêu bão Milton thậm chí còn lớn hơn cả siêu bão Yagi, bão số 3 từng tàn phá Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành miền Bắc nước ta.
Thiệt hại do siêu bão Milton tại Mỹ
Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra dao động từ 50 đến 85 tỷ USD, trong đó có khoảng 70 tỷ USD do hư hại về nhà cửa và khoảng 15 tỷ USD từ các thiệt hại kinh tế khác. Cơn bão đã phá huỷ hoàn toàn 125 ngôi nhà. Cho đến chiều tối ngày 12/10 (giờ địa phương), vẫn còn khoảng 1,3 triệu người chưa có điện.
Mất điện, cũng làm giao thông tại nhiều nơi trở nên gián đoạn, hiểm hoạ tai nạn luôn rình rập.
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng do bão Milton ở bang Florida, Mỹ (Ảnh: AFP)
Nhưng việc khôi phục lại hoạt động của các cây xăng lại càng khó khăn hơn. Tại khu vực vùng vịnh Tampa St. Peterburgt, 77% số cây xăng không có xăng để bán, ước tính trên toàn bang Florida, tức là khoảng 2.100 cây xăng. Thống đốc bang De Stantis cho biết ưu tiên cấp lại xăng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lúc này.
Nhiều nơi hiện vẫn đang bị ngập úng, trong khi thiếu nước sạch. Những bất tiện này, chắc phải vài ngày nữa mới xử lý triệt để.
Kỷ nguyên siêu bão
Đây là câu nói mà các nhà nghiên cứu dùng để để cảnh báo về giai đoạn thế giới phải đối mặt với ngày càng nhiều trận bão dữ dội hơn. Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2012, sau khi bão Sandy - cơn bão Đại Tây Dương lớn nhất từng được ghi nhận - đã quét qua nước Mỹ, khiến 160 người thiệt mạng.
Nhận định đó nhanh chóng trở thành hiện thực khi "kỷ nguyên siêu bão" liên tục chứng kiến những hiện tượng bất thường.
Tháng 9/2020, trên Đại Tây Dương xuất hiện 5 cơn bão nhiệt đới hoạt động cùng một lúc. Lần gần nhất hiện tượng tương tự được ghi nhận là từ năm 1971.
Năm 2023, lần đầu tiên bão cấp 5 trên thang bão 5 cấp đã đồng loạt hoành hành trên khắp 3 đại dương.
Và sang năm 2024 này, các siêu bão như Yagi và Milton đã liên tục phá vỡ kỷ lục khí tượng.
Vì sao các cơn bão ngày càng mạnh?
Trong năm nay, liên tiếp các cảnh báo được đưa ra về việc nhiệt độ nước biển tăng cao do tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các cơn bão trở nên tồi tệ hơn.
Bà Nadia Bloemendall - chuyên gia khí hậu – cho biết: "Khả năng xảy ra bão nhiệt đới rất mạnh đang thay đổi theo biến đổi khí hậu. Những gì chúng tôi thấy là ở Tây Bắc Thái Bình Dương, khả năng xảy ra bão cường độ lớn có thể tăng gấp 5 đến 10 lần so với hiện tại".
Nghiên cứu được Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu công bố cuối tháng 9 vừa qua cho thấy, tốc độ ấm lên của các đại dương đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005. Năm ngoái, hơn 20% đại dương trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng đến cực đoan.
Bão Milton đi qua Vịnh Mexico, ngày 9/10/2024 (Ảnh: AFP)
Đại dương, với vai trò là "mắt xích" điều tiết khí hậu hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa. Các nhà nghiên cứu coi nước biển ấm giống như nhiên liệu cho các các cơn bão nhiệt đới. Nước càng nóng, nhiên liệu càng mạnh. Và đây chính là nguồn năng lượng cung cấp thêm để bão tăng cường độ.
TS. Daniel Giford - chuyên gia khí hậu – cho biết: "Sự gia tăng nhanh chóng cường độ bão là điều đang trở nên phổ biến trong một thế giới đang nóng lên. Ở một số nơi như Vịnh Mehico, nhiệt độ tăng nhanh hơn so với các đại dương khác. Và điều đó có nghĩa là có nhiều "nhiên liệu" hơn cho những cơn bão".
Bên cạnh đó, nước ấm sẽ "tăng động lực" cho các cơn bão bằng cách bơm nhiều hơi nước hơn vào không khí, từ đó khiến bão tạo ra lượng mưa lớn hơn. Theo nghiên cứu, biến đổi khí hậu đã đẩy lượng mưa trung bình theo giờ trong các cơn bão lớn tăng thêm từ 8-11%.
Ông Petch Manopawitr - cố vấn Bộ Tài nguyên biển Thái Lan – nhận định: "Biến đổi khí hậu thay đổi rất nhiều các mô hình khí hậu. Cường độ mưa cao đến mức giờ đây chúng ta có thuật ngữ mới, được gọi là "bom mưa", vì cường độ mưa chưa từng có trước đây".
Không chỉ khiến các cơn bão mang nhiều nước, gió và dữ dội hơn, biến đổi khí hậu còn khiến bão di chuyển chậm hơn, từ đó có thêm điều kiện để tàn phá các vùng đất chúng đi qua.
Khủng hoảng khí hậu chạm đến điểm "không thể quay đầu"
Theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các siêu bão chỉ là một trong loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới phải đối mặt trong năm nay. Năm nay chứng kiến hàng loạt những kỷ lục buồn về biến đổi khí hậu bị phá vỡ. Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng về khí hậu đang dần chạm đến điểm "không thể quay đầu.
Những kỷ lục cực đoan về khí hậu liên tục được thiết lập. Hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh, và dự báo năm nay sẽ làm năm nóng nhất từ trước đến nay.
Đợt nắng nóng nghiêm trọng hồi tháng 6/2024 đã khiến 110 người tử vong, hơn 40.000 người bị sốc nhiệt trên khắp Ấn Độ (Ảnh: ANI)
Theo Đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus, từ tháng 6 đến 8 vừa qua là giai đoạn nhiệt độ trung bình trên thế giới cao chưa từng có, vượt qua kỷ lục nhiệt độ cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm nay, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất đều lập kỷ lục mới, kéo dài chuỗi 13 tháng phá kỷ lục liên tiếp kể từ năm 2023. 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay.
Ngày 22/7, thế giới ghi nhận ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất, là 17,15 độ C.
Trong báo cáo Tài nguyên nguồn nước toàn cầu năm 2023 mới công bố tuần này, năm 2023 đánh dấu năm khô hạn nhất đối với các con sông toàn cầu trong 33 năm. Năm ngoái cũng là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận.
50% lưu vực sông toàn cầu ở tình trạng bất thường, hầu hết đều thiếu hụt nước, làm giảm khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp.
Nhiều nơi chìm trong lũ lụt
Nhiệt độ tăng đã khiến chu trình thủy văn trở nên "thất thường và khó dự báo hơn" gây ra chỗ thì quá ít nước chỗ thì quá nhiều nước. Các cơn bão gây ra mưa lớn, lũ lụt chưa từng có ở mọi châu lục.
Thậm chí những nơi chưa từng bị ngập lụt cũng chìm trong biển nước như Trung Đông, Bắc Phi.
Mới đây nhất, đợt mưa lớn chưa từng thấy trong nửa thế kỷ khiến nhiều khu vực ở sa mạc Sahara khô cằn biến thành đầm nước.
Kỷ lục băng tan trong 50 năm qua
Nhiệt độ kỷ lục năm ngoái cũng khiến các dòng sông băng tan chảy nhiều nhất trong 50 năm qua. Ở Nam Cực, diện tích băng đạt tối đa ở mức 17,2 triệu km vuông trong năm nay, nhưng đây là mức thấp thứ hai trong 46 năm. Mức tăng băng thấp nhất được ghi nhận là vào năm ngoái.
Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng là một trong những nguyên nhân khiến băng ở 2 cực của trái đất giảm diện tích.
Nhu cầu cấp thiết phải ứng phó biến đổi khí hậu
Cùng với căng thẳng địa chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang làm trầm trọng thêm những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, siêu bão Yagi, bão số 3 ước đã làm hơn 300 người, thiệt hại về vật chất 81 nghìn tỷ đồng tương đương trên 3 tỷ USD.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà nhấn mạnh về các chiến lược, chính sách ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu - là các vấn đề được nhắc đi nhắc lại trong các diễn đàn quốc tế nhiều năm qua rồi.
Bão số 3 tàn phá các tỉnh miền Bắc Việt Nam, tháng 9/2024 (Ảnh: TTXVN)
Ở cấp độ toàn cầu, hiện chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ khai mạc tại Baku, Azerbaijan. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm nhằm đưa ra các hành động ở cấp độ toàn cầu và trách nhiệm của các quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nơi các nhà lãnh đạo thảo luận và nhất trí các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu liên quan đến khí hậu.
Hội nghị COP29 năm nay được coi là "COP tài chính", bởi để cắt giảm lượng phát thải khí thải nhà kính như các quốc gia đã cam kết, để xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, để chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng sang xanh hơn, ít phát thải khí nhà kính hơn… đòi hỏi các khoản vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, tài chính vẫn luôn là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán khí hậu.
Bài toán tài chính khí hậu tại Hội nghị COP 29
Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu – cho rằng: "Năm nay, tại Hội nghị COP 29 ở Baku, chúng ta cần thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển. Nhưng thống nhất một mục tiêu thôi là chưa đủ. Chúng ta cần một thỏa thuận mới về tài chính khí hậu, giữa các nước phát triển và đang phát triển".
Ông Mukhtar Babayev - Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan, Chủ tịch Hội nghị COP 29 – nhấn mạnh: "Tài chính là nền tảng của mọi thứ. Tài chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng có một khoảng cách ngày càng lớn giữa nhu cầu của các nước đang phát triển và những gì có sẵn".
Từ năm 2009, các nước công nghiệp phát triển đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển. Cam kết này đã được xác nhận trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, và kéo dài đến năm 2025. Câu hỏi đặt ra là sau năm 2025, lời hứa này được thực hiện như thế nào?
Liên hợp quốc mới đây đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị COP29.
Biên giới Italy - Thụy Sĩ sẽ được điều chỉnh do sông băng Alps tan chảy (Ảnh: Sky News)
Tài liệu mang tên "Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu", với 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh lập trường đối lập giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hằng năm là 1.300 tỷ USD. Các nước tài trợ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia thì cho rằng con số trên là không thực tế.
Các nước tài trợ cũng lập luận rằng hiện tại, họ chỉ tạo ra gần 30% lượng khí khí nhà kính, và muốn đưa thêm các nước có phát thải lớn vào danh sách các nhà tài trợ, chẳng hạn như các nước vùng Vịnh.
Canada thì đề xuất ngoài các nhà tài trợ nói trên, những nước đóng góp cho mục tiêu tài chính mới nên bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người 1 năm trên 52 nghìn USD, hoặc nằm trong 10 quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính gây hiệu ứng nhà kính tích lũy hàng đầu có thu nhập bình quân đầu người đạt 20.000 USD.
Chủ tịch hội nghị COP 29 cũng kêu gọi các bên cần đẩy nhanh quá trình tham gia vào ưu tiên đàm phán hàng đầu này để đạt được sự đồng thuận. Ông Muktar Babayev cho rằng các nước đang phát triển không nên đặt ra các mục tiêu chặt chẽ hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trước khi nhận được khoản tiền hỗ trợ.