Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây bắt đầu áp lệnh trừng phạt nhằm vào giới tài phiệt Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine , nhiều người đã đưa du thuyền của họ khỏi các vùng lãnh thổ Liên minh châu Âu và Anh nhằm tránh nguy cơ bị bắt giữ. Một vài người đã đưa du thuyền tới Dubai, trong khi một số tới Madives. Nhưng điểm đến được yêu thích nhất của các du thuyền thuộc sở hữu của giới tài phiệt Nga là Thổ Nhĩ Kỳ.
Ít nhất 8 du thuyền thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga hiện đang neo đậu tại các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc chỉ vừa rời đi gần đây. Theo các chuyên gia định giá của VesselsValue, các du thuyền hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ có tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi khá quen thuộc với giới tài phiệt Nga vì nhiều lý do, ngoài khí hậu nắng ấm và có vị trí nằm bên bờ Địa Trung Hải. Mặc dù là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Nga. Thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cuối tháng 3 vừa qua.
Cơ chế “hộ chiếu vàng”
“Các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ đã khiến các tỷ phú phải tìm kiếm thị trường đầu tư khác. Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn khả thi với các lợi thế về vị trí địa lý, thị trường và hệ thống ngân hàng tiên tiến, cũng như quan điểm trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine”, ông Zeynep Fıratoğlu, một nhà môi giới tại công ty bất động sản hạng sang Space có trụ sở tại Istanbul cho biết.
Theo Cơ quan thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số bán nhà cho khách hàng nước ngoài đã tăng 55% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Doanh số bán nhà cho khách hàng người Nga tăng 96% và cho khách hàng Ukraine tăng 85%. Sự bùng nổ tiếp tục ghi nhận trong tháng 3, số lượng nhà do khách hàng nước ngoài mua tăng 21% so với tháng 2.
“Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, chúng tôi bắt đầu ghi nhận sự gia tăng đáng kể về nhu cầu nhà ở của các khách hàng người Nga”, ông Fıratoğlu cho biết.
Điểm hấp dẫn chính của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Nga là có thể đầu tư để đổi lấy hộ chiếu. Họ có thể sở hữu hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3-4 tháng nếu họ đầu tư ít nhất 250.000 USD vào bất động sản hoặc 500.000 USD vào trái phiếu chính phủ, các công ty, các quỹ đầu tư hoặc tài khoản ngân hàng địa phương. Điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với những người muốn sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai.
Mặc dù một số nước khác ở châu Âu cũng có cơ chế “hộ chiếu vàng” với những đem lại lợi ích tương tự, nhưng những “thiên đường” đó có thể sẽ sớm đóng cửa. Síp, lâu nay được xem là là “thiên đường thuế”, đang siết chặt quy chế “hộ chiếu vàng” với giới tài phiệt.
Theo Forbes, trong số 15 tỷ phú Nga có hộ chiếu Síp, 8 nhà tài phiệt đã bị thu hồi hộ chiếu, trong đó có tỷ phú Oleg Deripaska.
Những khoản đầu tư đem lại lợi nhuận
Theo ông Şerif Nadi Varlı, nhà môi giới bất động sản hàng đầu tại Vartur Real Estate có trụ sở tại Istanbul, ngoài việc muốn sở hữu hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ, các tỷ phú Nga thường quan tâm tới các khoản đầu tư lớn, có khả năng đem lại lợi nhuận hơn là thị trường nhà ở cao cấp.
Ông Nadi Varlı gần đây liên hệ với một khách hàng đại diện cho một công dân Nga muốn chi 100 triệu USD vào một khách sạn trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Các khách sạn chúng tôi đang cung cấp đều nằm bên bờ biển, từ Antalya đến Bodrum. Khách hàng Nga đang muốn có hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đầu tư”, ông Nadi Varlı nói.
Các thành phố ven biển như Bodrum, Fethiye và Marmaris là những điểm đến tiềm năng nhất đối với các tài phiệt Nga đang tìm cách đầu tư vào bất động sản Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, 4 trong số 8 du thuyền thuộc sở hữu của các tài phiệt Nga đang neo đậu ở khu vực này.
Một du thuyền của tỷ phú Abramovich, và một của doanh nhân Alexander Nesis đang thả neo ở thị trấn Göcek gần Fethiye; du thuyền Aurora của nhà thầu xây dựng Andrei Molchanov hiện đang ở Marmaris. Tỷ phú Abramovich còn có một du thuyền khác hiện đang ở Yalıkavak, gần Bodrum.
Du thuyền của các nhà tài phiệt khác như Oleg Deripaska, Igor Makarov, Bagit Alekperov, Arkady Rotenberg cũng từng neo đậu trong khu vực cách đây không lâu.
Đằng sau các khoản đầu tư vào bất động sản, nhiều công dân Nga cũng mở công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Forbes, các công dân Nga đã thành lập 64 công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3/2022. Đó là con số kỷ lục, gần gấp 4 lần số lượng công ty được mở trong tháng 2 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi dữ liệu tháng 4 được công bố. Chỉ mất khoảng 5 ngày để thành lập một công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ và quy trình này chỉ tốn khoảng 3.400 USD.
“Sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga, đã có sự bùng nổ số lượng công ty do công dân Nga thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Eray Sayin, thuộc công ty Luật và tư vấn Sayin ở Istanbul, cho biết.
Công ty của ông Sayin nhận được 25 đề nghị từ các khách hàng Nga tìm cách mở công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 25 ngày qua. Hầu hết các công ty này được thành lập với mục đích đầu tư vào bất động sản, nhưng cũng có một số công ty quan tâm tới lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt.
Cơ hội thu hút đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ
Nếu các đòn trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp tục kéo dài nhiều tháng, ông Sayin dự đoán các nhà đầu tư của Nga, trong đó có các nhà sản xuất phân bón - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga, sẽ mở chi nhánh và đầu tư hàng trăm triệu USD vào Thổ Nhĩ Kỳ.
“Có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, nhưng ở giai đoạn này, họ chỉ thực hiện các khoản đầu tư nhỏ, vì mọi thứ vẫn còn bất ổn. Tuy nhiên, đầu tư sẽ gia tăng”, ông Sayin nói.
Tuy nhiên, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cảnh giác với việc vi phạm các lệnh trừng phạt và yêu cầu cá nhân hoặc công ty Nga mở tài khoản ngân hàng phải có giấy tờ chứng minh không bị trừng phạt.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có quan hệ kinh tế sâu rộng, chứ không chỉ giới hạn ở sự kết nối của các nhà tàu phiệt. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Nga, trong khi Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan có mối quan hệ ngày càng thân thiết trong những năm gần đây, sau giai đoạn không mấy suôn sẻ do 2 bên ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc chiến ở Syria.
Căng thẳng giữa 2 nước từng lên mức đỉnh điểm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Nga tháng 11/2015, dẫn tới việc hạn chế thương mại và đình chỉ cơ chế đi lại miễn thị thực. Tuy nhiên, 2 bên bình thường hóa quan hệ trở lại vào năm 2016. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vẫn duy trì liên lạc kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine. Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa 2 nhà lãnh đạo là hôm 26/4 vừa qua.
Chừng nào phương Tây vẫn còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và Ankara vẫn từ chối trừng phạt Moscow, các nhà tài phiệt Nga sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, dù là với mục đích sở hữu tấm hộ chiếu.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo các cá nhân Nga sẽ tìm cách sở hữu hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách mua tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về trung hạn tới dài hạn, các tỷ phú Nga có thể sẽ chuyển cơ sở kinh doanh và tàu sản của họ tới Istanbul, đưa gia đình họ tới sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước châu Âu khác”, ông Fıratoğlu nhận định./.