Thiem không đồng ý quyên góp cho các tay vợt “thấp cổ bé họng”, Krawietz đi làm siêu thị mùa dịch Covid-19

Đ.Hg. |

Đại dịch Covid-19 đang có những ảnh hưởng lớn lao đến các tay vợt chuyên nghiệp thuộc ATP. Tuy vậy, không phải tay vợt nào cũng có phản ứng như nhau trước những lời kêu gọi hỗ trợ cho cộng đồng. “Đại ca của lứa Next Gen” Dominic Thiem và ngôi sao từng thắng Grand Slam người Đức Kevin Krawietz chính là những ví dụ rõ nét…

Mới đây, để hỗ trợ cho các tay vợt “thấp cổ bé họng”, những người có thứ hạng thấp trên bảng điểm xếp hạng, không có “nhiều số dư trong tài khoản ngân hàng” để duy trì cuộc sống thường nhật trong suốt mùa dịch Covid-19, Novak Djokovic - Nhà Vua ATP và cũng là Chủ tịch Hội đồng các tay vợt chuyên nghiệp của ATP, đã đề ra ý tưởng quyên góp tiền mặt.

Cụ thể, theo đề xuất của tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia, các tay vợt nằm trong tốp 100 trên bảng điểm xếp hạng của ATP sẽ chi tiền để hỗ trợ cho các tay vợt có thứ hạng thấp hơn, mỗi người thuộc tốp 5 sẽ trích ra 30 ngàn USD để hỗ trợ, mỗi người từ hạng 5 đến hạng 10 hỗ trợ 20 ngàn USD, mỗi người từ hạng 10 đến hạng 20 hỗ trợ 15 ngàn USD, mỗi người từ hạng 20 đến hạng 50 hỗ trợ 10 ngàn USD, và những tay vợt từ hạng 50 đến hạng 100 sẽ hỗ trợ 5 ngàn USD. Ngoài ra, các tay vợt tốp 20 thế giới đánh đôi, cũng sẽ quyên góp để hỗ trợ.

Tuy đề xuất - ý tưởng của Djokovic được một số người ủng hộ, thế nhưng, cũng có những người ra mặt phản đối, trong đó, người thể hiện sự bất đồng chính kiến quyết liệt nhất chính là Thiem, tay vợt người Áo hiện đang xếp hạng 3 thế giới. Thiem đã dùng những từ ngữ rất nặng nề nhắm đến các tay vợt “thấp cổ bé họng”.

Thiem nói thẳng trên Krone Sport: “Hiện tại, không một tay vợt có thứ hạng thấp nào đang phải chiến đấu cho sự sống của mình trong mùa đại dịch Covid-19. Tôi đã nhìn thấy nhiều tay vợt thuộc hệ thống thi đấu ITF Tour, những người không tận tâm 100% với thể thao. Rất nhiều người trong số họ cực kỳ kém chuyên nghiệp. Tôi không thấy tại sao tôi phải đưa tiền cho bọn họ”.

Thiem, người đã “toàn thua” trong cả 3 trận chung kết Grand Slam tính cho đến thời điểm này, lần lượt ở Roland Garros 2018 và 2019, rồi Australian Open 2020, nhấn mạnh: 

“Tôi thà quyên góp cho những người, những Hội từ thiện, những kẻ thật sự cần giúp đỡ, hơn là hỗ trợ cho bọn họ. Trên thế giới, không có nghề nghiệp nào tự nhiên lại thành công và có thu nhập cao khi mới bắt đầu sự nghiệp. Không có gì là tự nhiên, tất cả chúng tôi đều phải chiến đấu để gia tăng thứ hạng của mình”.

Không giống như Thiem, tay vợt 28 tuổi người Đức Krawietz, người cũng nằm trong “danh sách phải chi tiền hỗ trợ” như Djokovic đề xuất, vì đang xếp hạng 13 thế giới đánh đôi, lại dành rất nhiều thời gian để hỗ trợ cho cộng đồng. 

Trong suốt giai đoạn nước Đức gồng mình chống dịch Covid-19, do không phải bước ra sân đấu, Krawietz đã đăng ký làm việc ở siêu thị địa phương, dù chỉ nhận khoản tiền công ít ỏi là 450 USD/tuần, nhưng anh đã góp sức đáng kể cho xã hội, và cho cả cộng đồng, đồng thời, “tự lo” được cho bản thân mình.

Thiem không đồng ý quyên góp cho các tay vợt “thấp cổ bé họng”, Krawietz đi làm siêu thị mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Kevin Kraweitz tích cực hỗ trợ cộng đồng chống dịch Covid-19

Tay vợt từng thắng giải đôi nam ở Roland Garros 2019 cho biết trên Der Spiegel: “Nói chung, tôi đã lên kế hoạch tìm kiếm một công việc bình thường trong một thời gian dài. Với sự hoành hành của virus corona, giờ đây tôi đã có cơ hội để làm chuyện này. 

Một số đồng nghiệp của tôi ở đây đã đến siêu thị từ rất sớm, vào khoảng 5 giờ sáng, để sắp xếp hàng hòa vào các kệ tủ. Tôi, chúng tôi phải làm sao xếp các loại xúc xích và pho mát, những thực phẩm cần thiết, ở trong tầm nhìn của khách hàng, xếp đầy các kệ bị bỏ trống. 

Ngoài ra, tôi cũng trực ở các khu lối vào, làm vệ sinh các giỏ đồ, xe đẩy. Trong cuộc đời của tôi, ở một khía cạnh khác, tôi luôn cảm thấy thích thú khi được chuyển đổi sở thích riêng vào một công việc thường ngày”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại