Thích khách trong lịch sử Việt Nam (P2): Ám sát tướng TQ khát máu; nhát kiếm sắc lẹm của Nguyễn Nhạc

Lê Thái Dũng |

Xã hội phong kiến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh hay Lê - Mạc đều tương đối phức tạp. Chính những lúc đó, việc sử dụng thích khách trở nên phổ biến hơn.

* Độc giả có thể đón đọc phần trước tại đây: Thích khách trong lịch sử Việt Nam: Tài giỏi như Đinh Tiên Hoàng cũng đã mất mạng

3. Thích khách ám sát giặc ngoại xâm

Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của nhà Hồ thất bại, giặc Minh đặt ách đô hộ lên đất nước ta, chúng thi hành chính sách tàn bạo rất dã man. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên, trong đó có lực lượng của con cháu họ Trần do Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế) và Trần Quý Khoáng (tức Trùng Quang Đế) kế nhau lãnh đạo, sử gọi là nhà Hậu Trần.

Trong số tướng lĩnh nhà Minh đi đàn áp quân nhà Hậu Trần có Trương Phụ là một kẻ khát máu, hắn đi đâu cũng giết chóc, xác chất thành núi, máu chảy thành sông.

Nhằm diệt trừ tên tướng giặc này, tướng Nguyễn Súy của nhà Hậu Trần đã sai thích khách ra tay. Sử chép rằng vào tháng 10 năm Qúy Tị (1413), Trương Phụ đánh nhau với Nguyễn Suý ở cửa Sái Đà (sông Ái Tử), một hôm "Trương Phụ nhà Minh lấy Đô đốc Hoàng Trung đi dò trước, chặn ở thượng lưu. Nguyễn Súy sai ba thích khách, đội cỏ xuôi dòng đến thuyền của Phụ. Một người trèo lên mũi thuyền, hai người trèo lên đuôi thuyền.

Phụ biết, bắt được hai người, giết một người, thả một người, lại còn cho tiền bạc. Hôm sau Phụ hội họp các tướng nghị bàn, Hoàng Trung nói không hợp ý Phụ, Phụ nổi giận kể tội Trung phòng giữ không nghiêm, để đến nỗi có chuyện khích thách, rồi chém Trung. Các tướng đều tái mặt đi" (Đại Việt sử ký toàn thư).

4. Biến lớn thời Hậu Lê

Nhà Hậu Lê được thành lập tháng 4 năm Mậu Thân (1428), sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước. Đây là vương triều đã xây dựng và đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển vượt bậc, nhất là ở những đời vua đầu tiên, nhiều chế định được đặt ra, trong đó có cả việc giữ gìn an toàn cho vua cùng hoàng tộc.

Sử sách chép rằng vua Lê Thái Tông vào ngày 28 tháng 8 năm Giáp Dần (1434) đã ban lệnh chỉ cho các tướng hiệu, quân nhân, nữ nhân, nội nhân giữ các cửa hoàng thành và cung cấm rằng:

"Từ nay về sau, nếu có cung nhân ở các điện và đại thần, tổng quản, hành khiển cùng bọn nữ quan vào chầu, khi đến cửa cấm thì người coi cửa phải chuyển tâu trước, đợi có sắc chỉ mới được vào. Đàn bà không có phẩm tước đều không được cho vào.

Nội nhân, nữ quan, nô tỳ ở các điện nếu không có việc gì, không được lui tới các điện khác. Nếu người canh cửa không cẩn thận, lấy tình riêng dung túng cho vào bậy, cùng là người nào mang các thứ đồ sắt từ một cái kim trở lên vào trong cung cấm mà không chuyển tâu trước thì phải chiếu luật trị tội" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mặc dù tăng cường cảnh giác thế nhưng việc tranh đoạt quyền lực vẫn không tránh khỏi và trong những diễn biến ấy không thể thiếu sự có mặt của các thích khách. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông mất đột ngột, con trai con thứ 3 là Lê Bang Cơ lên kế vị, đó là vua Lê Nhân Tông. Ông ở ngôi đến tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) thì bị anh trai cướp ngôi.

Đoạt ngai vàng chưa được bao lâu thì đến ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) Lê Nghi Dân bị một số triều thần do Nguyễn Xí, Đinh Liệt đứng đầu lật đổ giáng xuống tước Lệ Đức hầu, sau đó bắt phải tự thắt cổ chết. Để triệt hạ vây cánh của Lê Nghi Dân, trước khi hành động, các đại thần đã sai một thích khách đóng giả làm thầy bói tiếp cận rồi dùng dao đâm chết một đồ đảng thân cận của Lê Nghi Dân là Phạm Đồn.

Cũng về chuyện thích khác, trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục  ghi lại như sau:

"Bấy giờ có người cáo tỏ rằng Lê Sát nuôi bọn võ sĩ Lê Thảo, Lê Khải và Lê Khắc Hài làm thích khách, mưu toan làm hại Lê Ngân. Nhà vua nổi giận, hạ chiếu rằng: "Sát nay lại nuôi dưỡng những tay liều chết để mưu hại người trung lương, dấu tích gian ác của hắn ngày một lộ liễu. Vậy đáng nên chém để rao cho mọi người biết".

Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ tâu rằng: "Tội Sát đáng chết thật đấy, nhưng Sát đã từng làm đến đại thần, nếu phanh thây làm nhục e đời sau chê cười... Nhà vua bèn cho Sát được tự tử, tịch thu các đồ vật của Sát, chia ban cho quân thần. Vợ con và tài sản của Sát đều bị sung công. Nguyên phi Ngọc Dao, con gái của Lê Sát, sau khi Sát bị tội, cũng bị phế".

Tuy nhiên, sau này, đến thời vua Lê Nhân Tông đã giải oan cho Lê Sát. Có thể thấy, trong sử cũ cũng từng đề cập đến những chuyện liên quan đến thích khách, ám sát. 

5. Thích khách trong thời buổi rối ren

Mở xem sử sách giai đoạn nội chiến Nam – Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng, sau đó là cuộc phân tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài giữa hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh và họ Nguyễn, những chuyện hành thích, ám sát do thích khách thực hiện rất nhiều và đa dạng, dưới đây là một số vụ nổi tiếng.

Khi nhà Lê bị mất ngôi, nhiều trung thần đã nổi quân chống lại họ Mạc để khôi phục vương triều. Mùa xuân năm Tân Mão (1533) các bề tôi cũ của nhà Lê do An Thành hầu Nguyễn Kim đứng đầu đã lập một người con vua Lê Chiêu Tông lên làm vua.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết về việc Nguyễn Kim ở "châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy con cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy".

Một mặt dùng vũ lực cho quân liên tiếp tấn công, mặt khác nhà Mạc tìm cách ám hại người đứng đầu triều Lê Trung hưng là vua Lê Trang Tông. Sử chép vào năm Quý Mão (1543) Lê Trang Tông "tiến quân ra từ thành Tây Đô, tướng Mạc là Trung Hậu hầu (không rõ tên) dẫn con em đến trước quân lạy chào ở cửa nam thành Tây Đô" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Việc Trung Hậu hầu ra hàng thực ra là dùng kế trá hàng với âm mưu được sắp đặt sẵn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

"Ất Tỵ, [Nguyên Hoà] năm thứ 13 [1545], (Mạc Quảng Hoà năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 24)… Tháng 5, ngày 20, hàng tướng Mạc là Trung Hậu hầu ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ, Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất, Trung Hậu hầu đêm ấy trốn đi, lại quay về với họ Mạc.

Trước kia, Trung Hậu hầu xuất thân là hoạn quan, trải thờ Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, nghe tin vua nổi quân khôi phục bờ cõi, liền bàn mưu với họ Mạc dùng kế trá hàng, thường muốn hại vua. Việc đó không thành, mới bỏ ngầm thuốc độc để hại Thái tể Kim, Kim không để ý, bị trúng độc. Vua xuống chiếu truy tặng Kim làm Huân Tĩnh công, thuỵ là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang, huyện Tống Sơn để hậu táng".

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì Trung Hậu hầu tên thật là Dương Chấp Nhất, mục đích trá hàng là tìm cách giết hại Lê Trang Tông nhưng không có cơ hội bèn thay đổi đối tượng, nhắm đến Thượng phụ thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy triều Lê Trung Hưng.

Sau khi Nguyễn Kim chết, vai trò của con rể ông là Trịnh Kiểm nổi lên, từ đó họ Trịnh dần dần lấn át ngôi vua, tự xưng vương và hình thành lên thiết chế chính trị "lưỡng đầu chế" vua Lê, chúa Trịnh.

Dưới giai đoạn Trịnh Tùng ở ngôi chúa, ông ta càng lộng quyền, thậm chí vào ngày 22 tháng giêng năm Quý Dậu (1573), sai người giết vua Lê Anh Tông sau khi lập con út của vua là Lê Duy Đàm lên ngôi (tức Lê Thế Tông). Đến tháng 8 năm Kỷ Hợi (1599) Lê Thế Tông băng hà, Trịnh Tùng đưa con thứ của Lê Thế Tông tên là Lê Duy Tân làm vua (tức Lê Kính Tông), thế nhưng vị vua này cũng có kết cục bi thảm.

Thích khách trong lịch sử Việt Nam (P2): Ám sát tướng TQ khát máu; nhát kiếm sắc lẹm của Nguyễn Nhạc - Ảnh 2.

Tranh vẽ chúa Bình An vương Trịnh Tùng (Hình minh họa – Nguồn: diendanlichsu)

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, vào ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1619), Lê Kính Tông bị chúa Trịnh Tùng giết ở nội điện: "Tùng chuyên quyền lấn át mỗi ngày một quá, nhà vua không sao chịu được. Vì nghe biết việc Xuân, con Tùng, ngầm có lòng cướp ngôi của người con trưởng, nhân đấy nhà vua bàn mưu với Xuân giết Tùng, rồi quyền bính sau này sẽ trao cho Xuân.

Một hôm, Tùng đi đến bến Đông Tân xem bơi thuyền, Xuân mật sai đồ đảng của mình là Văn Đốc, mai phục súng ở ngã ba đường, khi Tùng trở về, súng nổ, trúng vào con voi mà Tùng đương cưỡi. Bắt được Văn Đốc, tra hỏi biết rõ mưu gian. Tùng bèn sai con là Tráng và trưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi tội phạm, rồi bắt ép vua phải tự thắt cổ. Còn Xuân đem giam ở nội phủ, sau lại tha ra".

Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc cũng là đối tượng bị hành thích, theo sử sách tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gianh tiến ra bắc, giương cờ "phù Lê diệt Trịnh"; đến tháng 8 cùng năm, vua Tây Sơn nghe tin em đã ra Bắc Hà, sợ rằng có chuyện không hay liền đem 500 quân thân cận đi gấp, sau đó lấy thêm 2.000 lính ra Bắc để gọi em về.

Liền đó một số người đông đảo từ trong bụi rậm nhảy ra đâm chém quân tùy tùng. Lanh như chớp, nhà vua rút trường kiếm, quay một vòng, bao nhiêu lưỡi kiếm chém vào nhà vua đều lớp bị gãy, lớp văng ra, và quay tiếp một vòng nữa, mươi mười lăm chiếc đầu rụng xuống như sung. Còn số người từ trong bụi nhảy ra bị quân Tây Sơn đánh giết, lớp chết lớp quăng vũ khí chạy thoát thân".

Trên đây chỉ là một số sự kiện, nhân vật được ghi chép trong thư tịch cổ và được truyền tụng trong dã sử có liên quan đến thích khách - những sát thủ đóng một phần vô cùng đặc biệt trong sự hình thành, tồn tại và suy vong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Họ chính là những người bằng trí tuệ, sự dũng cảm, táo bạo cùng thanh gươm của mình đã có lúc đẩy lịch sử sang những bước ngoặt và khúc quanh đầy bất ngờ, kịch tính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại