Thị trưởng Ý không chào đón tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Bảo Vĩnh |

Sau khi tàu chiến và máy bay Mỹ-Anh-Pháp không kích Syria tối 13.4, thị trưởng thành phố Napoli (Ý) tuyên bố không chào đón một tàu ngầm Mỹ quay lại thành phố cảng này.

Tuần trước, Thị trưởng Luigi de Magistris viết thư gửi Chuẩn đô đốc Arturo Faraone, lãnh đạo Cơ quan quản lý hải cảng Napoli, để phàn nàn việc vị sĩ quan này đã cho phép tàu ngầm John Warner lớp Virginia đi qua vịnh Napoli ngày 20.3, tiếp sau hai tuần tập trận của khối liên minh quân sự NATO.

Ông Magistris nêu rõ ông đã xác định Napoli là ”một khu phi hạt nhân”, trong một luật năm 2015, nhằm ngăn chặn bất kỳ tàu bè nào cũng không được cập cảng nếu chúng chạy bằng hạt nhân hoặc mang vũ khí hạt nhân. Ông cũng tuyên bố Napoli là “thành phố của hòa bình”, theo báo La Repubblica (Ý).

Hôm 16.4, Thị trưởng De Magistris nói với hãng thông tấn Agenzia Nazionale Stampa Associata: “Chính quyền thành phố chúng tôi không chống bất kỳ ai, nhưng ưu tiên các chính sách hòa bình, giải trừ vũ khí và hợp tác quốc tế. Thành phố ủng hộ giải pháp ngoại giao, nên các chính thể quốc tế như Mỹ là nước dẫn dầu trong những thời khắc khủng hoảng”.

Ông DeMagistris còn nói: “Thực tế là chiếc tàu ngầm liên quan vụ tấn công Syria, càng củng cố tính chính đáng của luật, qua đó chúng tôi nói tàu chạy bằng hạt nhân hoặc mang vũ khí hạt nhân thì không được chào đón ở các cảng của Napoli, vì thế chúng sẽ không đuọc phép đi ngang hoặc lưu lại”.

Thị trưởng Ý không chào đón tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Ảnh 1.

Thị trưởng De Magistris của thành phố cảng Napoli - Ảnh: Getty Images

Chuẩn đô đốc Faraone báo cáo với ngài thị trưởng rằng ông chia sẻ những quan ngại nói trên, trong một thư hồi âm, nhưng ông không có thẩm quyền “quyết định cho phép tàu chiến nước ngoài ra-vào hoặc quá cảnh trong lãnh hải quốc gia, vì thẩm quyền là của Bộ Quốc phòng”.

Vị sĩ quan còn nói tàu ngầm John Warner không được phép vào cảng, vì nó sử dụng động cơ hạt nhân. Có tin chiếc này đã đi ngang cách cảng Napoli hơn 3 hải lý, và rời khỏi cảng Gibraltar để hành quân tham gia cuộc tấn công Syria.

Ngày 17.4, Thị trưởng Magistris nói với nhật báo Il Mattino: “Thành phố giữ nguyên quyết định là một cảng phi hạt nhân. Chúng tôi hy vọng chính phủ Ý và chính phủ các nước khác hiểu rõ ý chí của chúng tôi, và trong tương lai sẽ ngưng cho phép những dạng tàu này quá cảnh hoặc lưu lại trong cảng”.

Ý là một trong số quốc gia thành lập NATO, ở Napoli có trụ sở chỉ huy liên quân. Nhưng Ý không tham gia vụ không kích Syria, chỉ hứa yểm hộ hậu cần. Dù là đồng minh thân cận với các đối tác Tây Âu, Ý cũng chú trọng hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa khối NATO với Nga.

Theo báo Business Standard (Ấn Độ) hôm 16.4, Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano tuyên bố: ”Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì đàm phán giữa các đối tác có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria, nhất là với Nga ”

Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni nói với các nghị sĩ rằng ông ủng hộ đánh Syria vì Ý không phải là quốc gia trung lập trong sự bất đồng giữa NATO - Nga.

Trong khi đó, thủ lĩnh Matteo Salvini của tổ chức chính trị Liên minh phương bắc (cánh hữu và theo chủ nghĩa dân tộc) và của liên minh cầm quyền trung hữu lại phản đối chiến dịch không kích Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại