Thị trường tài chính tiêu dùng: làn gió mới từ vốn ngoại

Thanh Xuân |

Dịch bệnh mang lại thách thức lớn cho thị trường tài chính tiêu dùng, nhưng cũng nhắc nhở để các công ty tài chính tiêu dùng cần định vị lại mình khi có những nhân tố thuận lợi.

Sự xuất hiện của những thương hiệu nước ngoài

Tuần trước, thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất trong ngành tài chính Việt Nam đã được hoàn tất. Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) đã chính thức nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay VPBank. SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, hoạt động trên 40 quốc gia toàn cầu.

Vài tháng trước, một thương vụ M&A khác là SHB cũng bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Krungsri của Thái Lan. Krungsri là thành viên thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản nắm giữ 76,88% vốn.

Việc bán gần một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ mang lại cho VPbank một lượng tài chính lớn để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia tài chính, điều đáng giá nhất ở đây không phải là lượng vốn lớn thu về mà chính là sự xuất hiện của SMBCCF – ông lớn tài chính tiêu dùng hàng đầu Nhật Bản và châu Á - tại Việt Nam.

Một chuyên gia phân tích, khi một tập đoàn hàng đầu thế giới chọn Việt Nam làm thị trường chiến lược là sự khẳng định quan trọng về cơ hội và tiềm năng phát triển dịch vụ này. Các tập đoàn hàng đầu thế giới đã đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào Việt Nam, và ngược lại tiềm năng và kinh nghiệm của tập đoàn ngoại là nhân tố thúc đẩy thị trường chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Chính ông Jun Ohta, Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC cũng khẳng định, Việt Nam là một trong Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm. Thương vụ này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch VPBank kỳ vọng kinh nghiệm của SMBCCF tại Nhật Bản cũng như tại các nước đang phát triển trong khu vực châu Á sẽ là những đóng góp quý báu cho trong việc hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững, chinh phục những tầm cao mới trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Thị trường tài chính tiêu dùng: làn gió mới từ vốn ngoại - Ảnh 1.

Tài chính tiêu dùng là 1 thị trường hấp dẫn tại Việt Nam, có "dư địa" còn rất lớn với gần 100 triệu dân. Tỷ lệ tuổi trẻ lớn và đang tiến vào nhóm nước thu nhập trung bình cao nên nhu cầu mua sắm và tiêu dùng không ngừng tăng lên.

Ước tính khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng trong khi con số tiếp cận hiện nay mới 15 – 20%. Trong những năm qua dự nợ TCTD đều tăng cao 20% mỗi năm và hiện ở mức 20% tổng dư nợ nền kinh tế trong khi cón số đó trên thế giới là 40%.

Thay đổi cách tiếp cận bằng số hóa

Hiệp hội Ngân hàng vừa công bố tỷ lệ nợ xấu nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt từ 6% lên mức 10% trong 9 tháng đầu năm, do ảnh hưởng từ đợt đại dịch Covid-19.

Đây là điều đã lường trước và liên quan đến những đặc thù của thị trường này, với các khoản vay tín chấp nhỏ và đa số đang giao dịch trực tiếp có rủi ro cao. Do dịch bệnh nên việc giao tiếp với khách hàng bị đứt gãy ảnh hưởng doanh thu cũng như việc thu phí dịch vụ, thu nợ và xử lý nợ xấu. Ở chiều ngược lại nhiều công ty tài chính hạn chế tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm.

Tình huống này gây ra khó khăn trước mắt cho các công ty tài chính, nhưng cũng là sức ép thúc đẩy số hoá để đảm bảo việc thông suốt cho vay và quản lý trong các điều kiện biến động, cũng như mở thêm kênh thuận lợi hơn cho người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ.

Ông Kalidas Ghose – Tổng Giám đốc FE Credit cho rằng, tài chính tiêu dùng là phân khúc đại chúng, chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt vào sự chuyển đổi số. Họ muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt.

Đó chính là lý do khoảng vài năm trước đây DN đã xây dựng được một nền tảng số hóa cho vay, sử dụng lõi kỹ thuật số hiện đại và tiên tiến nhằm cung cấp những dịch vụ xuyên suốt và nhanh nhất có thể cho khách hàng. Trong bối cảnh đó, sự hợp tác với các tập đoàn có kinh nghiệm quốc tế như SMBC sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này để phục vụ khách hàng chỉ trong một thiết bị cầm tay.

Tin rằng, đầu tư vào công nghệ chính là lời giải bài toán tối ưu hóa mô hình vận hành cũng như quản trị rủi ro của tài chính tiêu dùng. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với sự số hoá mạnh mẽ, các công ty tài chính đang cung cấp nhiều sản phẩm mới cho thị trường. Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ. Đồng thời cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các giao dịch điện tử có khả năng số hóa 100%.

Tuy nhiên, để số hoá thành công dịch vụ bên cạnh các yếu tố về công nghệ thì nền tảng quan trọng không thể thiếu chính là sự đầy đủ và minh bạch về thông tin tín dụng và hướng tới công bố điểm tín dụng cá nhân cho khách hàng trên cơ sở cập nhật, minh bạch về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như: thông tin bảo hiểm xã hội, thông tin nộp thuế thu nhập cá nhân, thông tin thanh toán/nợ hóa đơn… vì các thông tin này rất hữu dụng cho tổ chức tài chính tiêu dùng bảo đảm hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân hiệu quả và an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại