"iPhone killer" (tạm dịch là sát thủ iPhone) là cụm từ được các hãng di động Android lớn nhắc đi nhắc lại thời điểm vài năm trước. Đến nay, hầu hết các "sát thủ" đó đều đã rời bỏ thị trường trong khi doanh số iPhone ngày một tăng mạnh tại Việt Nam.
iPhone càng đắt càng hút khách
Theo thống kê của một hãng nghiên cứu thị trường lớn (xin được giấu tên), thị phần của iPhone đã vọt lên mức 13,7% trong tháng 12/2020 tại Hà Nội, tiệm cận doanh số của hãng đứng thứ 3 tại Việt Nam. Trước đó, doanh số của "táo khuyết" chỉ ở mức lần lượt 8,6% và 5,2% trong các tháng 11 và 10. Đây là thống kê đáng chú ý, cho thấy người dùng Việt Nam chờ đợi những chiếc iPhone thế hệ mới của Apple thế nào (iPhone 12 series chính thức lên kệ tại Việt Nam từ 27/11/2020).
iPhone phiên bản đắt nhất là model bán chạy nhất ở Việt Nam giai đoạn mở bán.
Nên nhớ, Apple chỉ bán các dòng sản phẩm cao cấp (giá trên 10 triệu đồng) nhưng đã chiếm đến hơn 13% doanh số trong khi các hãng xếp trên như Vsmart, Oppo, Samsung chủ yếu chiếm doanh số nhờ các sản phẩm giá rẻ và tầm trung.
Đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết, iPhone thậm chí chiếm gần 50% doanh số của họ trong tháng 12/2020 còn giá trị sản phẩm thì chiếm đến 82,2%. Điều này đồng nghĩa, nguồn thu của 20 cửa hàng từ hệ thống này trong tháng 12 chủ yếu đến từ iPhone.
Còn theo thống kê của nhiều nhà bán lẻ lớn, iPhone 12 Pro Max – model đắt nhất - chính là sản phẩm bán chạy nhất của Apple ở thời điểm mở bán, chứ không phải những sản phẩm như iPhone 12 hay 12 mini. Điều ngày không gây ngạc nhiên bởi từ trước đến nay, các mẫu iPhone cao cấp nhất vẫn luôn được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Đâu rồi các "iPhone killer"?
Thị trường di động cao cấp Việt Nam từng chứng kiến thời điểm huy hoàng khi hàng loạt hãng sản xuất Android tung ra các sản phẩm đẳng cấp, mang màu sắc riêng và cạnh tranh sòng phẳng với nhau.
HTC từng gây ấn tượng mạnh với dòng One, LG sở hữu dòng G, Sony làm hài lòng các tín đồ của họ với Xperia Z. Các sản phẩm của Oppo, Xiaomi, OnePlus cũng góp phần tạo ra sự mới mẻ cho thị trường.
Tuy nhiên, ở thời điểm đầu năm 2021, người ta gần như chỉ gọi tên được một đối thủ của iPhone 12 là Samsung Galaxy S21 series. HTC, LG đã từ bỏ thị trường từ lâu. Sony vẫn bán tại Việt Nam sản phẩm Xperia 1 nhưng sản phẩm chỉ dành cho số ít người dùng. Oppo tung ra các sản phẩm dòng Find X chủ yếu để làm thương hiệu. Cùng với Xiaomi, hãng này tập trung tấn công mạnh vào thị trường di động tầm trung. Thương hiệu mới nổi tại Việt Nam là Vsmart chưa hẹn ngày ra mắt smartphone cao cấp.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, màn bứt phá mạnh mẽ của iPhone tại Việt Nam một phần đến từ sự đi xuống của các thương hiệu đối thủ, một phần khác là nhờ việc Apple đã chủ động đa dạng hoá các sản phẩm của mình, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người dùng.
Nếu như trước đây, iPhone thường chỉ ra 1 model mỗi năm và hạ giá các model thế hệ cũ để bán giá thấp hơn thì giờ đây, dải sản phẩm của họ có đến 5 model, chưa kể các máy thế hệ cũ. iPhone SE là sản phẩm giá rẻ nhất của hãng, sau đó lần lượt là iPhone 12, 12 mini, 12 Pro và iPhone 12 Pro Max.
Thời điểm tháng 2-3 các năm trước vốn được xem là quãng thời gian sôi động nhất của thị trường di động khi các mẫu Android thế hệ mới đồng loạt ra mắt và rục rịch lên kệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện này không xảy ra vào 2021. Hiện tại, nếu muốn lựa chọn một chiếc di động cao cấp phổ thông, người dùng gần như chỉ có 2 lựa chọn là iPhone và dòng Galaxy của Samsung. Với đà thăng tiến của Apple, câu hỏi thị trường đặt ra thời điểm hiện tại không còn là "ai là iPhone killer" mà phải là "Apple sẽ gặm miếng bánh thị trường di động cao cấp đến đâu?".