Bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực đã kích hoạt dòng tiền bán tháo trên thị trường chứng khoán những phiên giao dịch vừa qua.
Đặc biệt, những tin đồn lan rộng thường sẽ nhắm tới những nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao, khiến nhiều mã rơi vào nhịp điều chỉnh sâu chưa thấy khả năng trở lại. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu lớn vẫn đang duy trì nhịp bứt phá, âm thầm ghi nhận các bước tăng vững chắc qua đó thiết lập đỉnh giá mới trong lịch sử niêm yết.
Chốt phiên cuối tuần 15/4, cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tiếp tục đi ngược thị trường khi tăng 0,81%, qua đó đóng cửa cao nhất lịch sử 50.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường tương ứng đạt 66.440 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm 2022.
Cổ phiếu VEA thiết lập đỉnh mới 50.000 đồng/cp
Lợi thế của "đại gia" ngành ô tô Việt, nắm trong tay hàng chục % cổ phần các hãng xe lớn
Theo đăng ký kinh doanh, VEAM có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh máy nông nghiệp, ô tô tải.
Tuy nhiên, VEAM được biết đến là "đại gia" ngành ô tô Việt khi nắm giữ tới 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.
Đáng chú ý, thị trường ô tô Việt Nam đã và đang bắt đầu ấm dần lên sau thời gian dài giãn cách bởi dịch bệnh, nhu cầu mua xe dần tăng trở lại. Những thống kê bán hàng trở lại "sắc xanh" sau nhiều tháng ảm đạm.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), riêng trong tháng 3/2022, doanh số bán xe đạt 35.021 xe các loại, tăng 66% so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết hãng đều tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như Toyota tăng 22%, Honda tăng 45%, Thaco tăng 33%, riêng Ford giảm 45%...
Việc Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng là yếu tố hỗ trợ cầu ô tô. Nếu như trước đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có mức lệ phí trước bạ là 10% giá bán xe, riêng Hà Nội là 12%; thì với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, người dân giảm hàng chục triệu đồng tùy vào từng loại xe, từ đó kích thích nhu cầu tiêu thụ xe.
Nhờ hàng loạt thông tin tích cực trên, VEAM - với lợi thế sở hữu cổ phần lớn tại hàng loạt các liên doanh Toyota, Honda, Ford - được cho sẽ hưởng lợi lớn từ sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường ô tô tại Việt Nam.
Sự sụt giảm tiêu thụ ở xe Ford được cho cũng sẽ tác động không lớn đến kết quả kinh doanh của VEAM do Ford đã đóng góp không đáng kể vào tổng lợi nhuận của VEA trong hai năm gần đây.
Thực tế, trong những năm qua, VEAM chỉ cần "ngồi yên" cũng có thu về mang lợi nhuận hàng nghìn tỷ hằng năm nhờ lợi thế đó. Riêng trong năm 2021, các công ty liên doanh liên kết của Tổng Công ty đã mang về khoản lãi hơn 5.100 tỷ đồng, chiếm phần lớn khoản lãi trước thuế 5.942 tỷ đồng trong cả năm của doanh nghiệp này.
Với khoản lợi nhuận lớn nhận từ các công ty liên doanh, VEAM đã tích lũy được lượng tiền mặt "khủng". Số liệu BCTC cuối năm 2021 cho biết VEAM có tới 11.800 tỷ đồng đem đi gửi ngân hàng.
Lượng tiền gửi khổng lồ kể trên đã giúp VEAM kiếm thêm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tài chính hàng năm. Riêng trong năm 2021, VEAM đã thu về hơn 700 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Trong năm trước đó, lãi tiền gửi ngân hàng của VEAM thậm chí lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, lãi suất ngân hàng đang ở vùng đáy lịch sử và nhiều dự báo cho rằng xu hướng lãi suất có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát tăng. Trong trường hợp lãi suất tiền gửi nhích lên sẽ giúp VEAM thu về thêm khoản lợi nhuận không nhỏ từ tiền gửi ngân hàng.
"Cửa sáng" trong năm 2022 nhờ kinh tế hồi phục hậu COVID-19
Báo cáo đánh giá mới đây, Bảo Việt Securities (BVSC) nhận định sản lượng tiêu thụ xe tăng trở lại có ý nghĩa là một dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi lợi nhuận của VEAM.
Theo BVSC, việc cắt giảm thuế chắc chắn có lợi cho những công ty sản xuất có tỷ lệ CKD cao (loại xe nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ nước ngoài về, tiến hành hoàn thiện lắp ráp xe tại nhà máy trong nước), chẳng hạn như Thaco, Hyundai, trong khi Toyota dường như được hưởng lợi nhiều nhất trong số 3 liên doanh ô tô của VEAM (Toyota, Honda và Ford).
BVSC kỳ vọng sản lượng ô tô sẽ tiếp tục phục hồi rõ ràng trong những tháng tới, trước khi cắt giảm thuế hết hiệu lực; trong khi tăng trưởng mạnh mẽ nửa cuối năm sẽ được hỗ trợ bởi nền so sánh thấp do giãn cách thời dịch bệnh.
Đồng thời, VinFast rút lui khỏi mảng sản xuất ô tô chạy bằng xăng cũng sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh, do đó các nhà sản xuất có tỷ lệ xe phân khúc giá rẻ có vị thế tốt để tăng thị phần trong trung hạn, do cơ sở hạ tầng dành cho xe điện chưa phát triển tại Việt Nam.
Với riêng phân khúc xe máy, sản lượng xe máy của Honda trong tháng 3 tiếp tục phục hồi khi tăng mạnh 20,5% so với cùng kỳ lên 180.853 chiếc.
Kết quả, thị phần của Honda đang tăng từ 75,9% vào cuối quý 1/2021 lên 78,6% vào quý 1/2022, tái khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường của mình. Hoạt động kinh doanh xe máy của Honda khởi sắc củng cố quan điểm lạc quan về kết quả kinh doanh quý 1/2022 và những quý tới của VEAM.
BVSC dự báo doanh thu thuần năm 2022 của VEA sẽ tăng 10,4% so với cùng kỳ lên 4.436 tỷ và lợi nhuận ròng tăng 18,5% so với năm 2021 lên 6.817 tỷ. Theo đó, báo cáo đưa ra dự phóng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2024 của VEAM sẽ tăng trưởng 6,8%/ 5,9% lên 7.283 tỷ và 7.714 tỷ đồng
Cổ tức dự báo giai đoạn 2022-2024 trong khoảng 4.200-5.400 đồng/cp, tương ứng với suất cổ tức hấp dẫn là 8,8-11,2% so với giá hiện tại.