Khi số lượng người mắc Covid-19 ngày càng tăng cao tại TP. HCM, các biện pháp chống dịch cứng rắn đang ngày càng siết điều kiện giao nhận, ngay cả đó là hàng hóa thiết yếu.
Mọi chuyện bắt đầu khó cho các app giao nhận từ khi có quy định cấm tất cả hàng quán bán thức ăn làm sẵn – cả offline lẫn online; tiếp theo là lệnh chỉ được giao ‘hàng hóa thiết yếu’ và khái nhiệm này mỗi nơi lại hiểu một kiểu; tiếp theo nữa việc shipper thường xuyên bị chốt chặn kiểm tra và phạt rất nặng.
Cuối cùng là hạn chế về không gian và thời gian di chuyển của các shipper, khi chỉ cho shipper giao trong quận và một số giờ nhất định. Thế nên, dù nhu cầu và đơn hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, song các app không có lực để làm.
‘Chiến sỹ’ đầu tiên rời cuộc chơi chính Beamin, tiếp theo là Be Group. Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty này cho biết: họ vẫn chưa có thời gian cụ thể cho việc mở app lại – có thể là vào 1/8 hoặc một ngày nào đó. Ưu tiên của Be Group trước mắt là ‘chống dịch’, còn các shipper của họ đã bắt đầu tiêm vaccine từ tuần này.
Phần mình, Grab đã đóng tất cả các dịch vụ trừ GrabMart và GrabExpress.
"Thay vì tạm ngưng các dịch vụ như một số đơn vị, Grab đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để tiến hành chương trình tiêm vaccines cho các đối tác tài xế của tại TP.HCM, đợt 1 bắt đầu từ 13h30 chiều ngày 27/7/2021, ở 5 điểm tiêm tại quận 7. Việc tiêm vắc-xin cho các đối tác tài xế Grab được triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cả shipper lẫn khách hàng an tâm hơn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Ngoài việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đội ngũ đối tác tài xế, chúng tôi còn yêu cầu các đối tác tài xế công nghệ phải chủ động phối hợp với cơ quan chính phủ, tuân thủ theo Chỉ thị 16 tăng cường. Cụ thể: nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia hỗ trợ dịch vụ vận chuyển, Grab shipper cần phải đeo bảng tên, băng tay nhận diện, mang theo giấy tờ thông hành và ứng dụng quản lý đơn hàng trong quá trình làm nhiệm vụ chuyên chở", đại diện Grab cho biết.
Để trấn an và hấp dẫn các tài xế, Grab cam kết triển khai các chương trình hỗ trợ các đối tác để phần nào giảm thiểu các tác động của đại dịch; Grab đã có chương trình hỗ trợ tài chính cụ thể cho các đối tác tài xế F0 hoặc F1. Trên app Grab, 2 dịch vụ GrabMart và GrabExpress hiện chỉ thực hiện giao nhận trong 1 quận, còn khi đặt giao nhận từ quận khác, app không cấm, song lại không tìm ra tài xế.
"Hiện tại ở TP.HCM, shipper AhaMove vẫn đang chạy; dù lượng shipper sụt giảm 30% - 35% so với lúc cao điểm do shipper ở trong khu phong tỏa không được ra ngoài, hoặc đã về quê, một phần khác thì tắt ứng dụng vì sợ rủi ro dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp.
Tại Hà Nội, lượng shipper được thông qua và được phép hoạt động chỉ chiếm một phần nhỏ trong số lượng shipper hoạt động hàng tuần trước kia. AhaMove đã thông báo dừng hoạt động tới toàn bộ những shipper không nhận được tin nhắn cho phép hoạt động của Sở Giao thông Vận tải.
AhaMove đã gửi danh sách các shipper được hoạt động tới cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP.HCM, đồng thời giảm số lượng đối tác hoạt động theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng thành phố, bao gồm gần 2.000 shipper ở Hà Nội và 15.000 shipper ở TP.HCM", anh Phan Tường Bách – COO của AhaMove chia sẻ.
Lực lượng shipper được cấp mã của AhaMove vẫn đang hoạt động ổn định. Có một số shipper được cấp mã hoạt động báo về công ty họ vẫn bị kiểm tra liên tục, nhưng nếu đầy đủ thủ tục, nhận diện thì đều được lưu thông tiếp. AhaMove cũng sát cánh với các shipper đáp ứng yêu cầu thủ tục của các đơn vị chức năng.
Về thị trường: tại TP.HCM, nhu cầu giao nhận khi chưa có lệnh cấm giao liên quận có thời điểm tăng gấp khoảng 10 lần so với thông thường. Nhưng từ khi có quy định về việc giao liên quận chỉ áp dụng cho một số nhóm sản phẩm thiết yếu, vật tư y tế đến khu phong toả, cách ly, bệnh viện dã chiến... thì nhu cầu sụt giảm mạnh, do đa phần nhu cầu của khách hàng AhaMove là giao nhận liên quận.
Phan Tường Bách – COO của AhaMove
"Ngoài ra, phía AhaMove rất mong muốn các chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ lực lượng shipper hoạt động, mà để như vậy thì có thể ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng này để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, người dân yên tâm ở nhà. Chúng tôi tin rằng, việc duy trì lực lượng hậu cần cho các tỉnh/thành phố đang hạn chế đi lại cũng đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Ngay từ thời điểm bắt đầu lệnh giãn cách toàn thành phố, mặc dù còn nhiều lúng túng, chúng tôi đã nỗ lực khắc phục, tiếp tục bám sát chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch và tuân thủ các yêu cầu khi di chuyển của chính quyền, nên với các chỉ đạo mới, chúng tôi cũng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành.
Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều văn bản cụ thể hơn để bản thân doanh nghiệp yên tâm vận hành và tài xế ra đường nhiều hơn", anh Phan Tường Bách đề đạt nguyện vọng.
Cùng tình cảnh như AhaMove là Loship. Theo founder kiêm CEO Trung Nguyễn, khi TP.HCM bắt đầu bùng dịch và lệnh cấm shipper giao đồ ăn được ban hành, Loship ghi nhận tình trạng shipper hoạt động giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng 10% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, tình hình đã ổn định hơn khi các chính sách dần trở nên rõ ràng.
Lượng shipper hoạt động đã dần quay trở lại ở mức 30-40% so với trước dịch, đặc biệt trong bối cảnh Loship dành nhiều nỗ lực tháo gỡ mọi khó khăn trong khâu lưu thông, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục cần thiết, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các Bộ ngành liên quan để hợp thức hóa việc shipper lưu thông trên đường.
Full trang bị của một tài xế Loship.
Trong giai đoạn này, tính riêng tại Tp.HCM, lượng shipper đăng ký mới hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, Loship vẫn ghi nhận số lượng đăng ký mới tăng ở các thành phố khác. Mọi hoạt động đăng ký - đào tạo shipper mới đều được tiến hành online, đảm bảo đúng yêu cầu giãn cách xã hội của Chính phủ. Đồng thời, Loship luôn cập nhật 24/7 mọi chỉ thị, thông báo từ Chính phủ để shipper có thể an tâm hơn trong việc đi đơn.
"Thực tế, tình trạng nguồn cung shipper không đủ với nhu cầu đặt của khách hàng là có xảy ra, do số lượng đơn hàng tăng mạnh nhưng số lượng shipper lại giảm.
Song, với nhiều nỗ lực trong công tác trang bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của Chính phủ, cùng nhiều biện pháp hỗ trợ tức thời như tăng thu nhập tối thiểu của shipper lên gấp đôi (một số thời điểm tăng gấp 3), Loship ghi nhận tỷ lệ shipper hoạt động ổn định trở lại. Trong tháng 7, Loship vẫn đang duy trì khoảng 40% lượng shipper hoạt động. Có rất ít trường hợp shipper kêu gọi tắt app tại Loship", CEO Loship khẳng định.
Ở khía cạnh khác, startup này cũng cho hay, mình đã hoàn tất đăng ký thông tin hoạt động của shipper với Sở Công thương. Song song đó, Loship làm việc với Sở Y tế và các cơ quan ban ngành để đưa danh sách shipper Loship vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng vaccine sớm nhất. Dự kiến trong tháng 8 việc tiêm chủng vaccine có thể được tiến hành.
Kế hoạch tiêm chủng của Loship: với việc tiêm vaccine theo đợt, đội ngũ shipper được luân phiên tiêm chủng sẽ đảm bảo tình trạng hoạt động của shipper không bị gián đoạn. Mỗi shipper hoạt động độc lập, vì vậy trong ngày nhóm này tiêm chủng vẫn có nhóm khác hoạt động. Tuỳ thuộc thể trạng mỗi người, shipper cảm thấy sức khỏe ổn định là có thể mở app lên chạy. Việc tiêm ngừa và hoạt động giao vận diễn ra song song, với kế hoạch và phương án giãn cách luôn được chuẩn bị trước.