Mỹ Hạnh là một sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Thời gian rảnh rỗi, cô vẫn thường tới Vuvuzela beer club. Nhưng không phải để thưởng thức các món đặc sản, Hạnh là một nhân viên của nhà hàng.
Trong chiếc áo T-shirt trắng, nhiệm vụ hàng ngày của Hạnh là trình tấm thực đơn và ghi chép lại các yêu cầu của khách hàng. Cũng như nhiều nhân viên khác trong Vuvuzela, Hạnh có chiều cao trên 160cm, da trắng và ưa nhìn.
Những cô gái xinh xắn vẫn tỏa đi khắp nhà hàng beer club. Không chỉ ghi lại các yêu cầu vào cuốn số nhỏ, các bóng hồng còn có thể uống cùng với khách khi được yêu cầu. Với mức lương trung bình 22.500 đồng/giờ, Vuvuzela không phải là beer club duy nhất hấp dẫn họ đến làm việc.
Thị trường beer club tại Việt Nam
Thực tế, Vuvuzela là tên gọi một loại kèn truyền thống của nước Nam Phi. Tiếng ong vỡ tổ đặc trưng của mùa giải World Cup 2010 phát ra từ cây kèn đã từng là chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, không khí trong nhà hàng Vuvuzela hay các beer club khác không hề gây khó chịu.
Sôi động nhưng lịch sự. Rộng lớn mà vẫn ấm cúng. Phong cách bar theo kiểu phương Tây kết hợp với những bàn riêng biệt rất Việt Nam. Đó là cách các beer club áp dụng để nhắm tới đối tượng khách hàng trong độ tuổi từ 20 đến 40, đặc biệt là dân văn phòng trẻ.
Một thanh niên tỏ vẻ phấn khích với điệu nhạc "scream and shout" được mở lớn. Đó là một cảm giác không thể có nếu uống bia hơi vỉa hè. Một số nhóm khác phải ghé sát nhau để bàn chuyện. Không khí rộn ràng như muốn kéo mọi người vào những trầu bia bất tận.
Trên tay tấm thực đơn, Mỹ Hạnh đang thuyết phục khách hàng chọn những loại bia cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài. Giá trị mỗi chai/cốc hơn hẳn 1 ngày làm việc của cô. Flensburger Winterbokck, Chimay, ST.Pauk,... và nhiều thương hiệu bia nữa đều nhằm phục vụ khách hàng có thu nhập khá, thuộc tầng lớp trung lưu.
Tất nhiên, khách hàng có khả năng chi trả thấp hơn cũng có thể đến beer club và chọn uống những loại bia phổ biến như Budweiser, Tiger hay Sapporo. Một số món ăn Á và Âu cũng sẽ có nếu khách hàng chịu bỏ ra từ 150.000 đồng.
Chưa có một báo cáo chi tiết về các chuỗi beer club, chỉ biết rằng mô hình này đã nở rộ tại Việt Nam từ đầu những năm 2010. Những cái tên thân thuộc với giới trung lưu ở các thành phố lớn là Vuvuzela, Hoa Viên, Bia tươi Tiệp. Phân khúc thấp hơn một chút có sự góp mặt của Beer Hops Garden, Kingdom, Racing Republic, Guru, Beer Market, Underground,...
Người mở chi nhánh, kẻ đóng cửa
Việc Vuvuzela và nhiều chuỗi nhà hàng khác liên tiếp mở thêm chi nhánh hay tăng cường độ phủ của mạng lưới phần nào cho thấy khả năng chi trả của người Việt cho giải trí đã cao hơn.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày rơi vào khoảng 10 USD tới 100 USD/người. Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen tính toán rằng, Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu.
Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 44 triệu người và lên tới 95 triệu người vào năm 2030. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Không những có thể chi trả cao hơn, người Việt Nam còn rất thích uống bia. Theo số liệu của công ty khảo sát bia Canadean, 94% lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ ở Việt Nam là bia. Trong năm 2015, người Việt Nam đã uống 3,8 tỷ lít, mức tiêu thụ bình quân là 41 lít/ người, đứng thứ 3 châu Á sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cách đây 3 năm, Vuvuzela cho biết họ đã đón tiếp 6.500 lượt khách mỗi ngày, chỉ với 9 nhà hàng. Kỳ vọng của họ có thể còn cao hơn vì nhà hàng thứ 18 tại Thanh Hóa vừa mới được khai trương vào tháng 5/2017.
Tuy nhiên, để tồn tại sau những buổi khai trương hoành tráng không hề đơn giản. Vuvuzela cũng đã phải đóng cửa nhiều nhà hàng tại trung tâm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Các nhà hàng nhỏ hơn cũng phải chấp dứt hoạt động chỉ sau vài tháng.
Vị trí chưa đắc địa có thể là lý do giới trung lưu đưa ra để quay lưng lại với một nhà hàng nào đó. Nhưng từ phía kinh doanh, chắc hẳn các beer club đều cảm nhận được sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
“Thị trường beer club cạnh tranh gay gắt với khoảng 60 thương hiệu trên địa bàn TP.HCM và 100 thương hiệu tại miền Nam” - Nguyễn Cao Trí, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Golden Gate (đơn vị sở hữu Vuvuzela beer club) nói.
Tinh thần cạnh tranh cũng được truyền đến mỗi nhân viên. Họ sẽ bị phạt nặng nếu không đạt đủ doanh số bán bia do nhà hàng đặt ra.
Khéo léo kẹp nhẹ lát chanh muối rồi thả vào chai bia hiệu Corona, Mỹ Hạnh cho biết cô cũng chỉ mới được nhận làm việc từ vài tháng trước. Thời gian kinh nghiệm không đủ cho cô thi lên bậc quản lý. Những nữ nhân viên phục vụ khác cũng vậy. Ở đây, chẳng mấy người quá 25 tuổi.
Tương lai nghiêng về phía mô hình beer club
Mặc dù Thông tư 53/2014 (quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia) của Bộ Công Thương đã không còn điều khoản bắt buộc quán bia phải bảo đảm nhiệt độ dưới 30 độ C như dự thảo ban đầu. Tuy nhiên, sau những bê bối về đồ uống và thực phẩm ở các quán bia cỏ, beer club có phần “an toàn” trong mắt người tiêu dùng.
Lợi thế của beer club còn đến từ việc họ có chỗ đỗ xe cho khách hàng. Trong lúc chính quyền địa phương ở một số tỉnh, thành phố thực hiện chương trình “giải cứu vỉa hè”, nhiều quán bia hơi nức tiếng đã trở nên trở nên vắng vẻ. Đến với beer club, khách hàng sẽ không phải cất công lựa chỗ đỗ xe hợp pháp trong thành phố đông đúc.
Một sức mạnh nữa yểm trợ cho các chuỗi beer club đến từ các hãng bia. Để nhanh chóng gia tăng thị phần, hãng bia sẵn sàng tài trợ tiền, tặng bia cho các beer club. Hãng bia cũng liên tục tổ chức sự kiện, mời ca sĩ, DJ để thu hút khách hàng đến với beer club và sử dụng bia của họ.
Cuối năm 2014, Standard Chartered đã quyết định đầu tư 35 triệu USD vào Golden Gate. Trước đó, Mekong Capital đã quyết định thoái vốn khỏi công ty này khi khoản thoái vốn đem lại tỷ lệ lãi bằng 9,1 lần giá trị đầu tư ban đầu và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 45,1%.
Không chỉ nhà đầu tư, chính quyền địa phương cũng hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng của các nhà hàng như beer club.
Nhằm phát triển du lịch, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho phép một số quán ăn, quán bar,... trong các phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm được kinh doanh sau 24h. Nếu được nhân rộng ra toàn thành phố và cả nước, khách hàng có thể lưu lại beer club lâu hơn.
Nhưng trước khi mong muốn ấy trở thành hiện thực, nhà hàng vẫn phải đóng cửa vào lúc 12 giờ đêm theo quy định của Chính phủ. Mỹ Hạnh đã mời khách gọi trước những chầu bia tiếp theo để beer club có thể chốt sổ. Trong ánh đèn mờ, cô cũng từ chối uống bia cùng với khách. “Sớm mai, em phải tới trường” – Hạnh xin lỗi.
Khuya vắng, những bóng hồng ra về để lại bóng đen lớn trong beer club. Phố vẫn sáng đèn nhưng tiếng ồn ào đã tắt từ lâu.
Giờ đây, câu chuyện của thị trường bia gần 4 tỷ lít/năm ở Việt Nam đã không chỉ giới hạn ở số lượng, nó đã chuyển lên giá trị với những beer club mọc lên ngày càng nhiều. Và những bóng hồng xinh đẹp, có học thức... như Hạnh cùng với chuỗi nhà hàng bia được thiết kế theo kiểu mới là những nhân tố quan trọng.