Mới đây, tại Đồng Phú, Bình Phước lại xuất hiện "chiêu trò" gây sốt đất. Ngay giữa bối cảnh các thị trường khác nhìn chung đang khá trầm lắng thì nơi đây xuất hiện cảnh nhà đầu tư môi giới "tranh nhau" chốt cọc ở một mảnh đất trồng cây lâu năm.
Trưa ngày 24/9, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm người tụ tập ở khu đất trồng cây điều, cao su. Hình ảnh cho thấy, nhiều người mặc đồng phục chạy toát mồ hôi để chốt cọc các lô đất cho khách hàng. Cùng với đó là tiếng hô chốt cọc đất của nhân viên môi giới bất động sản.
Được biết, vụ việc xảy ra tại một khu đất thuộc ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Những người có mặt trong clip lan truyền trên mạng xã hội thuộc một công ty môi giới bất động sản trụ sở đặt tại tỉnh Bình Dương.
Trước đó, tại Bình Phước đã từng diễn ra tình cảnh tương tự khi lãnh đạo và nhân viên công ty bất động sản liên tục chạy, chốt giá đất nền, tạo cơn sốt đất tại huyện Lộc Ninh.
Cụ thể, trên địa bàn này xuất hiện clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên một công ty bất động sản đang giành nhau, gấp gáp chốt cọc đất cho khách hàng. Những lô đất liên tục được xướng tên đã có chủ không khác gì cảnh mua bán rau ở chợ. Xuất hiện trong clip là những thanh niên mặc vest, sơ mi, tay cầm cặp da và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC.
Ảnh minh hoạ
Ngay sau đó, ngành chức năng vào cuộc và UBND huyện Lộc Ninh (Bình Phước) ban hành quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH địa ốc N. K vì có hành vi vi phạm "kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản theo nghị định 16 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng, khi vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản".
Tưởng chừng, sau clip gây hoang mang dư luận đầu năm 2022 sẽ không tái xuất hiện tại Bình Phước. Thế nhưng, đúng kiểu "đến hẹn lại lên", công ty BĐS tiếp tục khuấy đảo thị trường bằng các "chiêu trò" đã dùng trước đó. Sự việc diễn ra tại Đồng Phú mới đây của môi giới thể hiện đất đang sốt khi liên tục hô "chốt, chốt". Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là chiêu trò "làm tuồng" của một công ty bất động sản.
Theo các chuyên gia bất động sản, hình thức tạo sốt đất kiểu liên tục chốt đơn của các doanh nghiệp nhằm "lùa gà" không còn lạ lẫm trên thị trường BĐS. Mỗi khi bắt đầu ra sản phẩm mới, các doanh nghiệp đều có các "chiêu" riêng để dẫn dụ khách hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh room tín dụng đã nới cũng là lúc doanh nghiệp kích thích tâm lý mua BĐS cuối năm bằng cách tạo "sóng ảo".
Tuy vậy, "sóng" này khá dễ nhận ra. Theo một nhà đầu tư lâu năm sống tại Tp.HCM, thứ nhất, room tín dụng vừa mở, cũng không hoàn toàn vào thị trường BĐS, cho nên việc bùng nổ giao dịch hay nóng sốt lúc này là khó xảy ra.
Thứ hai, việc một nhóm người chỉ toàn là môi giới chạy qua chạy lại thì rõ ràng đó là "chiêu trò". Với tâm lý của người mua trải qua giai đoạn trầm lắng của thị trường BĐS, không dễ gì để thấy cảnh họ "hớt hải" hay toát mồ hôi để chốt giao dịch. Nếu những nhà đầu tư hiểu biết, họ nhận ra ngay.
"Dù là diễn nhưng có thực tế là người mua có mặt tại đó rất dễ bị tác động tâm lý. Khách hàng không khó rơi vào trạng thái sợ giỏ hàng bị chốt hết. Dù vậy, kết quả thực tế tất cả đều là giao dịch ảo, của những nhân viên công ty môi giới với nhau", vị đầu tư này chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, sau nới room tín dụng, tâm lý của nhà đầu tư đa phần thoải mái hơn. Đây cũng là thời điểm được gọi là "chuyển giao" thị trường, rất dễ xảy ra sốt cục bộ ở một vài khu vực.
Thực tế, cuối năm cũng là thời điểm mà hoạt động mua bán BĐS có thể "bật dậy" nhằm đón "sóng" sức mua. Vì thế, một số công ty môi giới "vin" vào lý do này, tự kích thích thị trường bằng một số "chiêu trò", cách thức riêng, nhằm tạo tâm lý nóng sốt.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, rất có thể cuối năm sẽ xuất hiện "sóng" ở một số khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM, nhưng không theo kiểu ồ ạt, giao dịch đột biến. Vì thế, khi thị trường xuất hiện khung cảnh mua bán nhộn nhịp, giao dịch bùng nổ thì rất khó tin.
Với khu vực Bình Phước, suốt thời gian qua đã có nhiều đợt "sóng", đa phần là người trong cuộc tạo nên, trong khi các nhu cầu thực tế thì khá khiêm tốn. Thậm chí, một số dự án phân lô bán 5-6 năm nhưng vẫn là mảnh đất trống, không có người về ở.
Với những thị trường chậm giao dịch cũng chính là thị trường các nhà đầu tư, đầu cơ tự tạo "sóng" để bán hàng với nhau. Điều này tạo nên những hệ luỵ về sau cho thị trường BĐS khu vực đó như: Giá đất tăng lên mặt bằng mới, nhu cầu ở thực ít; trong khi môi giới bán hàng xong là rút khỏi thị trường tạo nên những mảnh đất trống, không có giá trị về mặt dân sinh.