Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chính phủ đã thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ trình.
Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10-8 với yêu cầu phải bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng như phục vụ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Về cơ bản, kỳ thi vẫn được giữ ổn định như năm 2019. Nội dung thi sẽ gồm 5 bài thi (3 bài thi độc lập Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội).
Bộ GD-ĐT cũng công bố các đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh yên tâm, đề thi bám sát nội dung chương trình được tinh giản, đồng thời có sự phân hoá để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
"Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi ở địa phương, tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức Kỳ thi tại địa phương đảm bảo an toàn, nghiêm túc và thành công"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
"Ba cấp" tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra
Kỳ thi năm 2020 công tác thanh tra, kiểm tra được xác định là khâu quan trọng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của "ba cấp" thanh tra, kiểm tra gồm Thanh tra của Bộ GD-ĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc Sở GD-ĐT.
Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học sẽ tiếp tục được huy động để tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, uỷ nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong công tác đề thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả,...
Về công tác xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tiếp tục được tăng cường tự chủ, bảo đảm việc tuyển sinh diễn ra một cách trung thực, khách quan, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội.
Theo đó, các trường có nhiều phương thức để tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp, với các hình thức đa dạng, chủ động, tuân thủ theo quy chế.
Nếu các trường thực hiện phương thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì cần đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy chế để kỳ thi diễn ra minh bạch, công bằng, đánh giá được năng lực cốt lõi của người học để có thể theo học ở bậc đại học.
Nếu các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển theo các tổ hợp thì có trách nhiệm giải trình về căn cứ xây dựng tổ hợp phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo.