Thị sát cao tốc 17.408 tỷ đồng ở vùng giàu nhất Việt Nam, Thủ tướng đưa ra hàng loạt yêu cầu

Thái Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là tuyến đường rất huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược với toàn vùng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc

Ngày 26/9, trong chương trình công tác tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. 

HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đầu tư PPP (loại hợp đồng BOT) và cam kết vốn ngân sách địa phương. UBND tỉnh đã có các quyết định phê duyệt các dự án.

Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (thực hiện cắm cọc giải phóng mặt bằng, kiểm kê, khảo sát xây dựng phương án giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…).

Cùng với đó, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và khởi công dự án trong tháng 11/2024.

Thị sát khu vực giải phóng mặt bằng dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là tuyến đường rất huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển…

Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Phước chỉ có 7 km theo hình thức đầu tư công cần khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm.

Thị sát cao tốc 17.408 tỷ đồng ở vùng giàu nhất Việt Nam, Thủ tướng đưa ra hàng loạt yêu cầu- Ảnh 1.

Thủ tướng kiểm tra tiến độ của dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong quá trình triển khai, nhà thầu chính cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương làm nhà thầu phụ để vừa thi công nhanh dự án, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, vừa giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành để làm các dự án lớn khác.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính Phủ cũng yêu cầu bố trí các nút giao trên tuyến cao tốc phù hợp, khẩn trương quy hoạch để khai thác tốt nhất không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị thế hệ mới với các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp.

Ông Phạm Minh Chính lưu ý các nút giao cần xây dựng khác mức, với không gian xanh, sạch, đẹp; các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu thêm việc kết nối tới Tây Ninh để Tây Ninh có đường ra cảng biển, sân bay ngắn nhất có thể.

Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được quy hoạch như thế nào?

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (kết nối Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TPHCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), kết nối các sân bay và cảng biển… Đoạn qua Bình Phước dài khoảng 7 km, Bình Dương hơn 52 km.

Trong đó, đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đi qua 5 địa phương cấp huyện; điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TPHCM (thuộc địa phận thành phố Thuận An), điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.

Thị sát cao tốc 17.408 tỷ đồng ở vùng giàu nhất Việt Nam, Thủ tướng đưa ra hàng loạt yêu cầu- Ảnh 2.

Thủ tướng động viên lực lượng tham gia dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài tuyến khoảng 52,159 km, trong đó đoạn giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng khoảng 6,5 km, đoạn xây dựng mới khoảng 45,6 km.

Phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/h; giai đoạn hoàn thiện đầu tư đường cao tốc hoàn chỉnh có 6 làn xe theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Trên tuyến gồm 4 nút giao liên thông và 2 điểm ra vào đường cao tốc; xây dựng 26 công trình cầu; bố trí các hầm chui dưới đường cao tốc hoàn trả đường dân sinh, đường hiện trạng phù hợp theo nhu cầu của địa phương.

Với tổng mức đầu tư khoảng 17.408 tỷ đồng, dự án gồm 2 dự án thành phần, trong đó dự án giải phóng mặt bằng khoảng 381,6 ha với ngân sách khoảng 8.283 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương; dự án thành phần xây lắp theo hình thức BOT với nguồn vốn khoảng 8.883 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2024 - 2027, thời gian thu phí, hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng.

Ý nghĩa của dự án cao tốc 17.408 tỷ đồng với vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ nơi cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua có tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,8 triệu người (năm 2022), được coi là vùng giàu nhất Việt Nam với nhiều chỉ số kinh tế vượt trội so với các khu vực khác.

Đông Nam Bộ đóng góp hơn 30,9% vào GDP cả nước năm 2022 dù chỉ chiếm khoảng 8% diện tích và 18% dân số. Điều này cho thấy mức độ phát triển kinh tế cao của khu vực này.

Thị sát cao tốc 17.408 tỷ đồng ở vùng giàu nhất Việt Nam, Thủ tướng đưa ra hàng loạt yêu cầu- Ảnh 3.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc. Ảnh: BQL dự án tỉnh Bình Dương

Tính đến năm 2022, Đông Nam Bộ cũng là vùng có thu nhập bình quân tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng/người/tháng). GDP bình quân đầu người của Đông Nam Bộ đạt 6.900 USD, cao hơn mức bình quân của cả nước là 4.110 USD.

Đến năm 2050, Đông Nam Bộ đặt mục tiêu sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu hiện đại nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 khoảng 7,5% một năm, và GRDP đầu người khoảng 54.000 USD.

Để đạt được mục tiêu trên, vùng Đông Nam Bộ cần sớm đưa cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vào khai thác. 

Như Thủ tướng đã đánh giá, tuyến cao tốc này sẽ giúp kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, góp phần tạo ra mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cảng biển lớn. Điều này giúp thúc đẩy giao thương và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả hơn. 

Một điều quan trọng khác, dự án giúp giảm tải cho các tuyến đường quốc lộ hiện có như Quốc lộ 13, vốn thường xuyên bị quá tải, ùn tắc. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Dự án được triển khai thuận lợi sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc theo tuyến đường, đặc biệt là tại Bình Dương và Bình Phước. Sự phát triển của các khu công nghiệp này sẽ tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực. 

Từ việc xây dựng cao tốc, hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ cũng sẽ được nâng tầm. Điều này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn giúp phát triển đô thị, thu hút dân cư và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong vùng. 

Cùng với đó, tuyến cao tốc còn giúp kết nối các điểm du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, giúp phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế phụ trợ khác.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại