Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đang dần chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan?

Hoàng Ngọc |

Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đang phát triển như các nhà xuất khẩu 'chi phí thấp', làm giảm sự thống trị của Trung Quốc.

Nikkei Asia đưa tin, báo cáo thường niên Reshoring Index của Kearney tiết lộ rằng, vào năm 2022, thị phần hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục tại Hoa Kỳ đang dần bị thu hẹp và chuyển sang các thị trường có chi phí thấp (LCC) thuộc nhóm 14 nền kinh tế châu Á. Nguyên nhân bởi làn sóng chuyển dịch sản xuất nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục.

Nhóm 14 nền kinh tế LCC ở châu Á bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Báo cáo chỉ ra rằng, vào năm 2022, trong số 14 nền kinh tế LCC xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tỷ lệ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 50,7% tổng giá trị hàng hóa, thấp hơn so với mức 53,5% được ghi nhận vào năm 2021 và tiếp nối xu hướng giảm kể từ năm 2013.

Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đang dần chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan? - Ảnh 1.

Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ của 14 nền kinh tế LCC châu Á tăng 11% vào năm 2022, với giá trị đạt hơn 1.000 tỷ USD, thị phần hàng hoá của Trung Quốc đại lục và Hong Kong (TQ) tại thị trường này vẫn tiếp tục ghi nhận giảm. Đáng chú ý, “miếng bánh” thị phần này chủ yếu chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan...

Lý giải cho sự chuyển dịch này, báo cáo của Kearney cho biết, do lo ngại về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thuế quan, căng thẳng địa chính trị và sức chống chịu của chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hoá chuỗi cung ứng sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục và Hong Kong (TQ).

Chẳng hạn, Apple và Samsung Electronics đã đa dạng hoá chuỗi cung ứng của hãng bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (TQ) sang Việt Nam hay Ấn Độ.

Theo một báo cáo vào tháng 5/2022 của Everbright Securities, trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty mở nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 17 vào năm 2018 lên 23 công ty năm 2020, trong đó có 7 công ty đến từ Trung Quốc.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng cũng xảy ra ở lĩnh vực dệt may. Xu hướng dịch chuyển này đã thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia ít công nghiệp hoá hơn, chẳng hạn như Campuchia.

Cụ thể, trong năm 2022, Chính phủ Campuchia đã công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và điện tử trong vòng 3 năm tới, với vốn đầu tư ước tính hơn 2 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Kearney, trong giai đoạn 2018-2020, mặc dù có xuất phát điểm khá thấp, xuất khẩu điện tử của Campuchia sang Mỹ vẫn đạt tăng trưởng kép hàng năm ở mức 128%. Không chỉ vậy, Campuchia cũng là một trong những quốc gia đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hoá chuỗi sản xuất trong ngành bán dẫn cùng với Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Không chỉ dừng ở Việt Nam và Ấn Độ

Theo Kearney, Mexico và Mỹ cũng là một trong những địa điểm được các doanh nghiệp cân nhắc đa dạng hoá dây chuyền sản xuất bên cạnh các thị trường LCC, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí hậu cần và vận tải.

“Với các doanh nghiệp Mỹ, việc đưa sản xuất quay trở lại quốc gia này ngày càng trở nên quan trọng”, báo cáo đánh giá.

Hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát trong hầu hết các lĩnh vực cho biết họ có kế hoạch chuyển ít nhất một phần sản xuất trở lại Mỹ trong vòng 3 năm tới. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát cũng như Đạo luật CHIP của Mỹ - hai đạo luật nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện và bán dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại