Phạm Nhật Minh (17 tuổi, học sinh lớp 12D5 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) vừa đạt 7.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên. Đặc biệt, với kỹ năng Reading, em được điểm số tuyệt đối là 9.0 (8.0 Listening, 6.5 Writing và 6.0 Speaking). Theo Minh, bài thi Reading được làm ra để đánh giá khả năng đọc hiểu của thí sinh. Vậy nên, sẽ không có bí quyết cụ thể nào để giành điểm cao phần thi này, thay vào đó, phải không ngừng cố gắng và kiên trì mỗi ngày.
Phạm Nhật Minh (17 tuổi, học sinh lớp 12D5 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) vừa đạt 7.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên.
Trước đó, Minh cũng đạt được giải Nhất kỳ thi giải ô chữ tiếng Anh của hội English Light Your Home (ELYH). Em là học sinh giỏi 12 năm liền, còn là một chàng trai đa tài khi hát hay, đàn giỏi, nhảy đẹp.
Chuẩn bị cho Reading như một người học võ Thiếu lâm
Phần đọc hiểu của IELTS luôn là một vấn đề đối với các thí sinh và khiến họ gặp phải rất nhiều khó khăn khác nhau trong quá trình làm bài. Mỗi đoạn văn ở phần này đều quá dài và bạn phải đọc đến 2.500 từ và trả lời 40 câu hỏi chỉ trong 60 phút. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi đọc nhanh một bài đọc và nắm gần hết nội dung, bài thi Reading sẽ không làm khó được bạn. Để làm được điều này, bạn phải có một lượng từ vựng học thuật thật tốt, vốn thường rất khó trừ khi bạn đã tiếp xúc nhiều với các bài báo.
Vì vậy, để chuẩn bị cho phần Reading của IELTS, Minh đã dành toàn bộ thời gian để củng cố vốn từ vựng của mình. Em so sánh việc này như một người học võ Thiếu lâm, 10 năm học thì dành 7 năm luyện cơ – gân – xương. Minh chủ trương luyện vocabulary trước, rồi mới làm các đề thi Reading mẫu trên trang web ieltsonlinetests.com trong vòng 1 tháng trước khi thi.
Ngoài việc luyện đề, chịu khó tra từ mới, Minh cũng cho biết, em cũng đọc nhiều và đọc sâu để cải thiện hiểu biết về các vấn đề xã hội và nắm được vấn đề thời sự đang diễn ra. Minh cũng thường đọc lướt đoạn văn trước khi đọc câu hỏi trong bài IELTS Reading. Vì bản chất bài thi Reading là đọc hiểu, nên bắt buộc bạn phải hiểu bài đọc một cách xuyên suốt thì mới có thể chọn đáp án đúng. Việc đọc trước cũng sẽ giúp bạn nắm được chủ đề và kiến thức chung của cả bài, biết dữ kiện nằm ở vị trí nào khi làm câu hỏi.
Trong tất cả các phần thi, Minh cho rằng Speaking là phần khó nhất vì em không hề chuẩn bị gì cho phần này. Cộng với việc em không phải người quá hoạt ngôn và hay giao tiếp, dẫn đến tâm lí thiếu vững vàng khi ngồi trước examiner. "Em hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nên cũng có một chút tiếc nuối", Minh chia sẻ.
Học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi
Minh bắt đầu học tiếng Anh từ năm lên 6 qua băng đĩa tiếng Anh và rất thích thú với ngoại ngữ này. Đến lớp 5, em được mẹ đăng ký cho học ở một trung tâm để tiện giờ đưa đón, nhưng chỉ được khoảng 1 năm thì nghỉ.
Về cách học, Minh chia sẻ em không có cách bố trí thời gian nào cả, vì em học ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang trên đường hay ở trường hay đang ngồi nhà. Đi ra ngoài, nhìn thấy biển hiệu có một từ mới lạ, em luôn tự đặt câu hỏi: "Từ này nghĩa là gì vậy?" rồi tra nghĩa và cố gắng sự dụng nó theo cụm rồi theo câu.
Đặc biệt, em thường xuyên tham gia các lớp học zoom trực tuyến của hội tự học. Những bài giảng online này giúp em biết được các cấu trúc hay và những cách diễn đạt mới, mà trước đây em chưa từng nghe tới. Cùng học tiếng Anh cũng giúp em tăng tính tự giác, tự chủ, biết chia sẻ và biết sắp xếp, sử dụng thời gian rất hiệu quả. Không chỉ học tiếng Anh mà còn học được rất nhiều kỹ năng.
Nhắc tới những kỷ niệm khó quên nhất trong hành trình học tiếng Anh, Minh vẫn nhớ như in vào năm lớp 3 khi em đi thi rung chuông vàng tiếng Anh cấp trường. Dù đã tới rất gần với giải Nhì, nhưng Minh trả lời câu cuối cùng. Đó là câu khoanh vào từ có nơi gạch chân phát âm khác so với các từ còn lại. Chính vì sai, em đã phải "cay đắng" chấp nhận giải Khuyến khích. Ngày hôm đó, em tự nhủ với mình rằng mình sẽ không bao giờ sai những câu phát âm hay trọng âm nữa. Và em tự hào rằng mình vẫn giữ vững lời hứa ấy.
Hiện tại, Minh đang học thêm tiếng Pháp và cố gắng thi đỗ vào trường Đại học Việt Pháp khoa Khoa học dữ liệu. Em muốn trở thành chuyên gia phân tích dữ liệu của đội bóng, làm cánh tay phải đắc lực của huấn luyện viên. Em thích được phân tích đội hình đối thủ, những thông số cắt bóng, phá bóng, giải nguy của hậu vệ, tỉ lệ cầm bóng, tỉ lệ chuyền và số kiến tạo kỳ vọng của tiền vệ cùng nhiều thứ khác nữa.