Thí điểm chính quyền đô thị: Hà Nội sẽ ghép nhiều phường, có chức danh phường trưởng?

HOÀNG PHONG |

Trong báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính quyền quận Đống Đa tại hội nghị khảo sát lấy ý kiến xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đề xuất việc ghép các phường lại với nhau.

Cụ thể, theo ông Phong, hiện nay, mọi thứ đã thay đổi, từ cơ sở hạ tầng đến năng lực, trình độ của cán bộ, công chức và nhân dân nên quy mô các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như hiện nay là không phù hợp.

Do vậy, không nên giữ quy mô (diện tích và cư dân) các đơn vị hành chính như hiện nay mà nên mở rộng hơn, đặc biệt là quy mô của cá đơn vị hành chính cấp xã. Các xã, phường, thị trấn cần phải có quy mô bằng hai hoặc ba lần so với hiện tại.

“Tương tự như vậy, có thể điều chỉnh địa giới hành chính và quy mô đối với một số tỉnh, huyện trên địa bàn cả nước sao cho phù hợp với sự phát triển và sự phân cấp quản lý”, ông Phong nêu.

Theo ông Phong, việc mở rộng quy mô các đơn vị hành chính và tổ chức lại các cơ quan chính quyền địa phương có nhiều cái lợi.

Cụ thể, giảm bớt được số lượng các đơn vị hành chính, việc quản lý thuận lợi hơn, nhất là các đơn vị hành chính cấp phường.

Cùng với đó, giảm bớt đáng kể số lượng đội ngũ những người nhận lương từ ngân sách nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức.

“Với quy mô đơn vị hành chính như hiện nay, số lượng các cơ quan chính quyền nhiều, tất yếu số lượng cán bộ, công chức sẽ nhiều và tương ứng là số lượng cán bộ làm trong các cơ quan của Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... cũng sẽ nhiều, làm tăng đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nếu sáp nhập, các đơn vị hành chính sẽ lớn hơn và số lượng đơn vị hành chính sẽ ít đi, hệ quả là đội ngũ cán bộ, công chức trong một đơn vị hành chính có thể tăng lên, nhưng tổng số cán bộ, công chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước của cả nước sẽ giảm đi đáng kể.

Khi số lượng cán bộ, công chức, cũng như số lượng những người hưởng lương từ ngân sách giảm bớt, sẽ có điều kiện để nâng lương cao hơn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đồng thời có thể giảm bớt số người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nâng cao hơn trách nhiệm công vụ của họ”, ông Phong phân tích.

Ông Phong cũng cho rằng, việc ghép các đơn vị hành chính tạo điều kiện phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương, nhất là cấp phường và áp dụng được nhiều thành tựu khoa học, công nghệ vào quản lý.

Do quy mô các đơn vị hành chính, nhất là đơn vị hành chính cấp phường đã lớn hơn, việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị hành chính và chính quyền của mỗi đơn vị đó sẽ nhiều hơn, tạo điều kiện cho họ chủ động và có đủ quyền hạn để có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề liên quan đến địa phương mình và việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước sẽ có điều kiện tốt hơn.

Hơn thế nữa, do sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển của giao thông, thông tin liên lạc, sự phụ thuộc, gắn kết giữa các địa phương với nhau ngày càng nhiều.

Việc sáp nhập các phường liền kề với nhau thành các đơn vị hành chính lớn hơn sẽ dễ dàng vì các đơn vị hành chính nói trên có khác biệt hầu như không đáng kể, do đã có những mối liên hệ mật thiết với nhau về nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa giao thông, điện nước...

Ông Phong cũng nhấn mạnh, trình độ của nhân dân cũng được nâng cao, nhất là trong mối quan hệ với chính quyền. Ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật trong nhân dân đã được củng cố, nâng cao.

Hơn nữa, khả năng tự điều chỉnh và hoạt động tự quản của các cộng đồng dân cư ngày càng được phát huy.

Cùng với đó, sau nhiều năm đào tạo, bồi dưỡng, trình độ và năng lực quản lý của cán bộ, công chức ở địa phương đã được nâng cao đáng kể.

Có thể nói, hầu hết cán bộ các cấp đã tốt nghiệp phổ thông trung học, nhiều người tốt nghiệp đại học và thậm chí có người còn có trình độ sau đại học nên việc quản lý một địa bàn rộng hơn không có gì quá khó khăn đối với họ.

Ông Phong nêu quan điểm, nên thực hiện phương án không tổ chức HĐND phường mà chỉ có UBND.

Đây là phương án có tính khả thi, tinh gọn được bộ máy mà vẫn đảm bảo tổ chức và thi hành hiến pháp và pháp luật trên địa bàn phường; đồng thời vẫn thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường.

Trên thực tế, đặc thù của HĐND cấp phường hiện nay, các đại biểu HĐND phường thường là hưu trí, cán bộ đoàn thể, tổ dân phố kiêm nhiệm, đại biểu theo cơ cấu, đại diện nên chất lượng đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu không đóng góp ý kiến tại các kỳ họp.

Việc lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu về các lĩnh vực quản lý nhà nước còn hạn chế.

Ông Phong cho rằng, nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính đứng đầu là quận trưởng, phường trưởng, thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay.

Cụ thể, theo ông Phong, thiết chế thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã.

Thực hiện theo mô hình này sẽ đảm bảo một mô hình gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý điều hành, tuy nhiên khi thực hiện cũng cần có quy định điều kiện, tiêu chuẩn, chính sách thu hút nhân tài...

Đồng thời cơ chế giám sát vẫn được đảm bảo, bởi cũng đã có nhiều cơ chế giám sát ngang – dọc, từ UBND thành phố, các sở, ngành...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại