Theo dấu dòng tiền, tiền gửi ngân hàng có phải là điểm đến tiếp theo?

Hoà An |

Từ đầu năm đến nay, thanh khoản thị trường chứng khoán đã giảm một nửa, các giao dịch bất động sản không còn sôi động như trước. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng liên tục tăng, phải chăng dòng tiền đã tìm đến kênh tiết kiệm?

Vì đâu mà thanh khoản bất động sản sa sút?

Theo TS. Ngô Ngọc Quang - chuyên gia hoạch định tài chính, Đại học Ngoại Thương, do nguồn tín dụng và nhất là nợ xấu đang bị kiểm soát chặt chẽ hơn, nên hiện tại thanh khoản bất động sản đang có dấu hiệu suy giảm mạnh ở một số khu vực.

Tuy nhiên, điều này chỉ là cục bộ và ngắn hạn. Về lâu dài, bất động sản vẫn là một kênh thu hút các dòng vốn đầu tư. Cụ thể, thời gian tới với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng, đà phục hồi từ các loại hình bất động sản du lịch và bất động sản khu công nghiệp, thị trường vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Dòng tiền sẽ vẫn còn tập trung mạnh ở kênh này trong thời gian tới.

Mặc dù vẫn còn tiềm năng phát triển nhưng không phải loại hình nhà đất nào cũng được hưởng lợi, thị trường cũng sẽ ghi nhận sự phân hóa giữa các các phân khúc bất động sản khác nhau.

Theo dấu dòng tiền, tiền gửi ngân hàng có phải là điểm đến tiếp theo? - Ảnh 1.

(TS. Ngô Ngọc Quang, chuyên gia hoạch định tài chính, Đại học Ngoại Thương)

Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm gần một nửa, dòng tiền đi về đâu?

Chuyên gia cho biết, thời gian gần đây giá trị thanh khoản của thị trường chứng khoán sụt giảm gần một nửa là do 2 nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất đó là do việc chấn chỉnh lại các hoạt động giao dịch và công bố thông tin trên thị trường đã phần nào ảnh hưởng đến cấu trúc dòng tiền và thị trường. Các hoạt động giao dịch "lướt sóng" và sử dụng các dịch vụ không chính thống cũng bị giảm lại. Điều này dẫn đến thanh khoản không được mạnh mẽ như thời gian trước.

Tuy nhiên, điều này chỉ là ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, các hoạt động chấn chỉnh như vừa qua sẽ giúp làm trong sạch thị trường, góp phần giúp thị trường phát triển trong tương lai.

"Chúng ta muốn thu hút dòng vốn ngoại, dòng vốn trong nước vào thị trường thì cần phải có một thị trường minh bạch về thông tin, được quản lý và kiểm soát tốt để giảm bớt các hiện tượng thổi giá tạo giá bong bóng cổ phiếu" – ông Quang cho biết.

Thứ hai sự sụt giảm thanh khoản có một phần cũng là do dòng tiền dịch chuyển ra khỏi thị trường để quay về hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế của mở cửa hoạt động trở lại.

"Khi thị trường thích nghi với luật chơi mới (quen với việc kiểm soát chặt chẽ) và các chỉ số về vĩ mô ở Việt Nam tiếp tục cải thiện khi mở cửa sau dịch bệnh thì thanh khoản sẽ cải thiện trở lại trong thời gian tới"- chuyên gia nhận định.

Liệu có phải dòng tiền đã "đồn trú" ở kênh tiền gửi?

Theo dấu dòng tiền, tiền gửi ngân hàng có phải là điểm đến tiếp theo? - Ảnh 2.

Theo Ngân hàng nhà nước, đến hết tháng ba tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (tổng phương tiện thanh toán) đã tăng 3,45%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1,97%. Chuyên gia Ngô Ngọc Quang dự báo tốc độ tăng này vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới.

Theo đó, có 3 nhân tố sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của tiền gửi.

Thứ nhất, khi nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, lưu lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế cũng sẽ tăng lên.

Thứ hai, xu hướng số hóa ngân hàng cũng đang làm giảm tỷ trọng chi tiêu bằng tiền mặt. Lượng tiền mặt trong lưu thông trước đây đã được thay thế bởi các bút toán trên tài khoản ngân hàng. Cũng theo thống kê của NHNN, đến tháng 4/2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị.

Yếu tố thứ 3 đó là, trong thời gian qua, việc mua lại trái phiếu trước hạn của các tổ chức cũng đã được đẩy mạnh hơn. Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn không thường xảy ra, nên khi được mua lại, nhà đầu tư sẽ bất ngờ được nắm giữ một lượng tiền mặt lớn.

Vì dòng tiền xuất hiện không trong kế hoạch nên việc tìm kiếm được ngay một cơ hội đầu tư không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh như vừa qua. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và có một suất sinh lời hợp lý, khi thị trường tài chính chưa thích nghi với các quy định mới, kênh ngân hàng vẫn là đích đến của dòng tiền kể trên.

Hiện tại, bên cạnh việc tăng lãi suất tiền gửi, các ngân hàng cũng đã tung ra những chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản, các gói tiết kiệm đặc biệt… Những điều này cũng đã góp phần cho dòng tiền có thêm động lực tìm đến kênh tiền gửi.

Nhu cầu tiền gửi tăng cũng sẽ làm tăng áp lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vì có thể phải huy động vốn với lãi suất cao hơn và không dễ như trước. Sau 2 năm bị ngưng trệ vì covid, doanh nghiệp đang tái khởi động lại hoạt động kinh doanh, cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là nguồn vốn "rẻ" từ các gói hỗ trợ của nhà nước.

Nếu cân bằng được cung – cầu vốn, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại, và khiến các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vẫn tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư. Để tránh rủi ro trong giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn nên cần kiểm soát nguồn tiền của mình, giữ một tỷ trọng tiền mặt hoặc tiết kiệm tương đối trong danh mục đầu tư và hạn chế mua những tài sản hoặc chứng khoán có tính thanh khoản thấp.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại