Ngày 4/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa cùng các Sở ban ngành TP đi thị sát và làm việc với tập đoàn Trung Nam - chủ đầu tư dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thi công các hạng mục.
Dự án này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP phát lệnh khởi công ngày 26/6, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng nhằm kiểm soát ngập do triều cường cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Ngoài chống ngập, công trình còn ngăn và giữ nước vào mùa khô hạn cho TP.
Đến nay, quá trình thi công gặp một số vướng mắc. Ông Nguyễn Tâm Tiến - Chủ tịch tập đoàn Trung Nam cho biết, dự án gồm 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật và vấn để giải phóng mặt bằng nên làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Hàng nghìn ống thép dài 62 m, đường kính hơn 0,5 m sẽ được đóng vào lòng sông, kênh tại 6 cống ngăn triều đổ trụ cho dự án. Sáu cống ngăn triều gồm Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, Tân Thuận, Phú Xuân, Bến Nghé có chiều rộng từ hàng chục đến hàng trăm mét. Trong đó, cống Mương Chuối rộng nhất, gần 300 m.
Theo ông Tiến đã sử dụng hơn 500 tỷ đồng vốn tự có để tăng cường tiến độ thi công và đang thi công 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè với hơn 16.000 tấn thép cùng hơn 200 thiết bị thi công hạng nặng các loại. Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp nhiều vướng mắc khó đảm bảo tiến độ.
Trình bày với lãnh đạo TP, chủ đầu tư cho rằng hiện nay nhiều công trình của dự án vướng hệ thống ngầm như cáp điện, cáp viễn thông, cống thoát nước cũng như chậm di dời - đền bù cho các hộ dân và thống nhất với công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam để làm một tuyến đường 2,1 km từ quốc lộ 50 vào cống ngăn triều.
Ông Tiến kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Khu quản lý liên hợp xử lý chất thải TP sớm giao phần diện tích đất mở đường dài 2,1km, rộng 3m vào thi công dự án cống kiểm soát triều Cây Khô. Đề xuất UBND TP ban hành kế hoạch và cơ chế phối hợp về giải quyết nhanh vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án. Vận động chính quyền quận 7, huyện Nhà Bè kêu gọi các doanh nghiệp có đất trong dự án đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.
Sau khi nghe đơn vị đầu tư báo cáo, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở ban ngành đã đi thị sát toàn bộ công trình dự án tại các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè để tìm hiểu hiện trạng. Lãnh đạo TP biểu dương chủ đầu tư và các sở ban ngành đã phối hợp tốt, đảm bảo tiến độ dự án dù gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thi công.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay yêu cầu chống ngập cho TP là hết sức cấp bách. TP ngập do mưa và cả triều cường nên giải quyết ngập phải hết sức đồng bộ. Ông yêu cầu chính quyền các quận huyện có diện tích nằm trong dự án cần tuyên truyền vận động, đền bù thỏa đáng cho người dân có nơi ở mới tốt hơn vì công trình này là lợi ích của cả TP.
Còn những vấn đề vượt quá thẩm quyền, lãnh đạo TP sẽ nhanh chóng kiến nghị với các Bộ ngành trung ương để sớm giải quyết.
Tại khu vực thi công cống ngăn triều Tân Thuận thuộc huyện Nhà Bè còn một hộ kinh doanh vật liệu xây dựng chưa thể di dời vì có đầy đủ giấy phép hoạt động. Nhiều thời điểm, công nhân tại đây có hành vi ném gạch đá vào đơn vị thi công, làm chậm tiến độ. Phó chủ tịch UBND Lê Văn Khoa chỉ đạo, đối với trường hợp này thì chính quyền địa phương cần ra sức vận động người dân hiểu và ủng hộ dự án cũng như có sự đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục hành vi ném gạch đá vào công nhân thì phải có biện pháp xử lý.
Ông Phong đề nghị phải tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, liên tục giữa các bên liên quan như Sở GTVT, Sở TNMT, Sở Tài chính, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, lãnh đạo các quận huyện để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư để dự án triển khai thuận lợi. Còn những vấn đề về vốn, vượt quá thẩm quyền TP thì lãnh đạo UBND sẽ sớm kiến nghị lên các Bộ ngành trung ương giải quyết.
Lãnh đạo TP.HCM lưu ý: "Tôi đề nghị những chỉ đạo trong hôm nay của UBND thì các ban ngành thực hiện luôn chứ không chờ văn bản nữa, chứ chờ thì lâu lắm. Việc đảm bảo tiến độ dự án là yếu tố quan trọng không thể lơ là nhưng chất lượng và hiệu quả công trình mang lại mới là quan trọng nhất cần chú trọng. Dù đã có đơn vị giám sát nhưng hơn 10 triệu dân của TP sẽ cùng giám sát, đánh giá hiệu quả của dự án này".