Theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 5.12 tới đây, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) sẽ ghi đầy đủ những thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Trước đó, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a, Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Tường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.
Sau khi sửa đổi, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của của Bộ TN-MT sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19.5.2014) quy định:
“Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
Sau đó ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bất cập, không thực tế, chưa phù hợp pháp luật và dễ phát sinh tranh chấp và chưa hiểu cụ thể các luật liên quan.
Ông Hùng cho rằng tài sản tạo lập được là của cha mẹ. Điều này đã được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân gia đình, Luật dân sự... Nếu con cái có sự đóng góp thì mới nên đưa vào, nếu không có thì chỉ nên có cha mẹ.
Tài sản của cha mẹ nếu cha mẹ chết thì phát sinh quyền thừa kế đối với các con (nếu có), do vậy không cần phải ghi tên các thành viên trong giấy chứng nhận.
Hơn nữa, theo luật sư này, tài sản của cha mẹ thì cha mẹ được quyền định đoạt tài sản của mình. Việc thêm các thành viên khác vào chỉ làm phát sinh thêm thủ tục nhiêu khê, phiền hà và hạn chế quyền sử dụng của cha mẹ.
Thậm chí nếu đưa tên các con vào trong giấy chứng nhận sẽ phải xác định công sức đóng góp của từng thành viên, đây là điều không khả thì và không thể làm được vì có nhiều trường hợp các con không có đóng góp thì liệu có ghi vào hay không?
Như vậy, ông Hùng cho rằng việc quy định ghi tên các thành viên vừa mâu thuẫn với các quy định pháp luật liên quan về quyền sử dụng, hạn chế quyền của chủ sử dụng mà pháp luật công nhận.
Lý do là chủ sử dụng khi muốn chuyển nhượng, chuyển quyền hay thực hiện các quyền đối với thửa đất thì đều phải thông qua các thành viên khác trong khi thực tế các thành viên này không có sự đóng góp gì và đây là điều khó chấp nhận.
Hơn nữa, khi ghi các thành viên vào thì nếu việc chuyển nhượng diễn ra cũng dễ phát sinh tranh chấp các thành viên trong gia đình về công sức của từng thành viên mà các bên không thỏa thuận hay không xác định được.