Trong báo cáo, viện trên cho biết sông băng Southern Schneeferner của nước này đã chính thức bị "xóa sổ" do tốc độ băng tan nhanh. Theo cơ quan này, phần lớn lớp băng của sông băng Schneeferner đã giảm đáng kể. Tại đa số các vị trí của sông băng, lớp băng đo được chưa đến 2 m. Thậm chí, nơi dày nhất hiện giảm xuống dưới 6 m so với khoảng 10 m vào năm 2018.
Cũng từ năm 2018 đến nay, diện tích bề mặt của sông băng đã giảm 50% xuống còn khoảng 1 ha. Từ đó, Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria cảnh báo lớp băng còn lại sẽ hoàn toàn biến mất trong 1 - 2 năm tới.
Như vậy, hiện Đức chỉ còn 4 sông băng gồm Northern Schneeferner và Hoellentalferner nằm trên ngọn núi cao nhất của Đức Zugspitze, cùng với Blaueis và Watzmann ở dãy núi Berchtesgaden Alps.
Kể từ đầu năm 2000, giới khoa học ngày càng theo dõi sát sao tốc độ băng tan nhanh trên dãy Alps cũng như nhiều nơi khác. Năm 2021, Cơ quan Môi trường bang Bavaria công bố một báo cáo cho rằng Đức sẽ mất những dòng sông băng cuối cùng trong vòng một thập kỷ tới khi biến đổi khí hậu gia tăng. Trước đó, các nhà khoa học dự báo các sông băng sẽ chỉ tồn tại đến giữa thế kỷ này.
Hầu hết các sông băng trên núi trên thế giới - tàn tích của kỷ băng hà cuối cùng - đang dần thu hẹp diện tích hoặc biến mất do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những sông băng trên dãy Alps ở châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng có diện tích nhỏ hơn với lớp băng phủ tương đối ít.
Trong khi đó, nhiệt độ ở dãy Alps đang ấm lên vào khoảng 0,3 độ C mỗi thập niên - nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps dự kiến sẽ mất hơn 80% thể tích so với hiện tại vào năm 2100.