Vinamilk hiện đang là nhà sản xuất sữa lớn nhất Đông Nam Á xét theo giá trị thị trường. TheoBloomberg, "gã khổng lồ" ngành sữa Việt Nam đang muốn thúc đẩy việc tiến hành các thương vụ M&A (sát nhập và mua lại) để mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu và gia tăng doanh thu.
Vinamilk dự kiến bản hợp đồng với công ty sữa dấu tên của Mỹ sẽ hoàn tất vào đầu năm sau. Trước đó hồi tháng 5/2016, Vinamilk đã chính thức sở hữu 100% cổ phần của công ty sữa Driftwood Dairy có trụ sở ở California, Mỹ sau khi đầu tư 10 triệu USD vào công ty này.
Bà Liên cho biết, Vinamilk có thể sẽ tăng quỹ phục vụ các thương vụ M&A nhằm đạt được mục tiêu doanh thu hàng năm 3 tỷ USD vào cuối năm 2017.
"Mỹ là thị trường khó tính nhất. Nếu chúng tôi được chấp nhận ở thị trường Mỹ, đấy sẽ là một lợi thế lớn, giúp chúng tôi tiếp tục xâm nhập vào các thị trường khác đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của Vinamilk" - Bà Liên nói thêm.
Vinamilk đang gia tăng việc mua lại các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh thị trường sữa Việt Nam vẫn còn kém phát triển hơn so với các nước láng giềng. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho hay, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 19 lít/năm (số liệu năm 2015), thấp hơn rất nhiều so với mức 51 lít/năm ở Malaysia và 34 lít/năm ở Thái Lan.
Ngoài Việt Nam và Mỹ, Vinamilk hiện cũng đang hoạt động ở New Zealand và Campuchia. Vinamilk dự kiến sẽ xây dựng thêm một nhà máy sữa bột ở Việt Nam trong năm tới, đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở New Zealand do nhà máy này hiện đang phải hoạt động hết công suất, bà Liên cho hay.