Nhóm nghiên cứu từ 2 trường ĐH Hawaii và ĐH Wisconsin-Madison (đều ở Mỹ) đã xem xét mối tương quan giữa 375 bệnh truyền nhiễm được biết đến và biến đổi khí hậu.
Kết quả cho thấy có đến 218 bệnh trở nên tồi tệ hơn bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan biến đổi khí hậu. Tăng phát thải khí nhà kính là thủ phạm trực tiếp.
Xem xét 10 dạng hiểm họa khí hậu nhạy cảm với khí nhà kính (lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng…), các nhà khoa học đã xác định 1.006 con đường mà dịch bệnh từ virus, vi khuẩn, nấm, động - thực vật các loại… có thể bị kích hoạt.
Người dân TP New York - Mỹ tìm cách giải nhiệt trong cái nóng ngày 8-8 Ảnh: REUTERS
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các nhóm nguyên nhân chính: Hiểm họa khí hậu mang mầm bệnh đến gần con người và đưa con người đến gần mầm bệnh; tác nhân gây bệnh được tăng cường, như nắng nóng buộc virus "chịu nhiệt" phải mạnh hơn, tăng độc lực, gây sốt cao hơn; con người bị suy yếu bởi hiểm họa khí hậu do căng thẳng, phải di tản nên suy dinh dưỡng, mất vệ sinh, không được tiếp cận y tế…
AP dẫn lời ông Jonathan Patz, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường ĐH Wisconsin-Madison và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Nếu khí hậu đang thay đổi, nguy cơ mắc những bệnh này đang thay đổi". Ông Patz nói thêm nên xem những căn bệnh này như "triệu chứng của một trái đất bị bệnh".
Trong khi đó, ông Carlos del Rio, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường ĐH Emory (Mỹ), kêu gọi thế giới cần ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu và cùng nhau làm việc để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa sức khỏe do biến đổi khí hậu.