Số lượng người chết, mất tích đã tăng 35 người so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại Cao Bằng đến thời điểm này có 21 người chết, mất tích do sạt lở đất ở huyện Nguyên Bình (1 người chết, 20 người mất tích).
Lào Cai có 15 người chết, mất tích do sạt lở đất, lũ quét .
Quảng Ninh có 6 người chết (do bão 5 người; lũ cuốn 1 người).
Hải Phòng có 2 người chết do bão.
Hải Dương có 1 người chết do bão.
Hà Nội có 1 người chết do bão.
Hòa Bình có 4 người chết do sạt lở đất.
Yên Bái có 3 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn có 2 người chết (do lũ 1 người; do sạt lở đất 1 người).
Bắc Giang có 1 người mất tích do lũ cuốn.
Tuyên Quang có 2 người mất tích do lũ cuốn.
Hà Giang có 1 người do lũ cuốn.
Về sự cố sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ: Theo thông tin của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành liên quan đang đi kiểm tra tại hiện trường.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn tập trung, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.