Hưng Yên sẽ là tỉnh có trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước
Ngày 31/8/2023 và qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, là công cụ quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị để vươn lên trở thành tỉnh mạnh trong khu vực và cả nước, phấn đấu đến năm 2037 Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh Hưng Yên đã xác định 5 quan điểm, mục tiêu phát triển trong định hướng quy hoạch. Đầu tiên là phát triển dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh. Thứ 2 là phát triển nhanh, tạo bước đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, hình thành các khu chức năng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại.
Ba là phát triển bền vững, bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế.
Bốn là phát triển Hưng Yên theo hướng đô thị xanh, thông minh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển hài hòa các tiểu vùng của tỉnh.
Năm là phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu tổng quát, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt ; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường.
Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hòa, có bản sắc văn hóa riêng, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Hưng Yên chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố cơ bản (lao động chi phí thấp, tài nguyên thiên nhiên, chế biến thô) sang nền kinh tế định hướng hiệu quả (nền kinh tế có khả năng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, dựa trên lao động có kỹ năng, hiệu quả cao) trong giai đoạn 2021-2030 và sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo (nền kinh tế có khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo với công nghệ tiên tiến hàng đầu) trong thời kỳ 2031-2050.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm đó là giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu đại học... Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiệm vụ tiếp theo là huyển đổi cơ cấu lao động, đào tạo lao động có kỹ năng, tạo việc làm với thu nhập khá. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh. Cuối cùng là bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện, giảm ô nhiễm môi trường nặng tại các dòng sông, các khu vực tập trung doanh nghiệp công nghiệp, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, làng nghề...
Nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho cùng Đồng bằng sông Hồng
Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong hai tỉnh Bắc Bộ có địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có rừng, không có núi, không giáp biển; là tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông, là nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho Hà Nội, vùng Thủ đô và cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phía Bắc Hưng Yên giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây bắc giáp thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam lại được phù sa màu mỡ bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc tạo cho Hưng Yên những cánh đồng lúa, ngô xanh biếc, những đầm sen rộng lớn và những đặc sản ngon nổi tiếng như: nhãn lồng, mật ong, hạt sen…
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1802 di tích, trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 271 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 7 bảo vật quốc gia.
Năm 2022, quy mô kinh tế của Hưng Yên đã đứng thứ 16 trong cả nước và thứ 7 trong vùng Đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn hằng năm đạt 7,9%/năm.
Trong 7 tháng đầu năm, hoạt động kinh tế xã hội của Hưng Yên đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 5.078.840 triệu đồng, tăng 72,95% so với cùng kỳ năm trước và đạt 42,30% Kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.688.635 triệu đồng, tăng 74,26%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.824.314 triệu đồng, tăng 112,72%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 565.891 triệu đồng, tăng 5,56%.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.836.161 triệu đồng, giảm 49,33% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77,82% Kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 15.900.000 triệu đồng, giảm 51,09% và đạt 87,26% Kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 1.936.161 triệu đồng, giảm 28,06% và đạt 41,19% Kế hoạch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.990.048 triệu đồng, tăng 101,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: bán lẻ hàng hóa 17.962.198 triệu đồng, tăng 16,62%; lưu trú, ăn uống 1.679.689 triệu đồng, tăng 30,36%; dịch vụ du lịch lữ hành 23.254 triệu đồng, tăng 41,10%; doanh thu dịch vụ khác 29.324.907 triệu đồng, tăng 286,67%.
Từ ngày đầu năm đến 20/7/2023, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 11.341.644 triệu đồng, đạt 57,25% Kế hoạch năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển 7.697.020 triệu đồng; chi thường xuyên 3.644.623 triệu đồng. Toàn tỉnh có 526 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 6.652.959 nghìn USD, trong đó, từ đầu năm đến nay, có 25 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 374.928 nghìn USD.
Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết như GRDP đầu người của Hưng Yên vẫn ở nhóm thấp, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành. Diện tích tỉnh Hưng Yên nhỏ, mật độ dân số lớn, tài nguyên khoáng sản ít. Độ mở và tính liên kết của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; quá trình xuất cư khá lớn dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám".
Thu hút vốn đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài (FDI), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho thu hút đầu tư; thiếu vắng những dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao.
Việc sử dụng đất chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các khu công nghiệp tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảo đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội.