Thời gian giữ ngôi vị "công xưởng của thế giới" với Trung Quốc có thể sẽ sớm đi đến hồi kết. Với tình hình căng thẳng của chiến tranh thương mại, làn sóng di cư của các nhà sản xuất lớn đang ngày một gia tăng. Trong vai trò là người đại diện cho doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp quốc tế kinh doanh tại tỉnh Quảng Đông, Chủ tịch của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại phía nam Trung Quốc (AmCham South China) Harley Seyedin dự báo, Trung Quốc sẽ sớm mất ngôi vị này ngay trong tương lai gần.
Theo số liệu của Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong, Quảng Đông là tỉnh dẫn đầu về lượng xuất khẩu tại Trung Quốc, chiếm tới 27,5% cả nước. Dù có vai trò lớn về xuất khẩu và là điểm đến chính của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh này vẫn đang phải chật vật để duy trì tăng trưởng khi phải đối mặt với làn sóng di dời sản xuất.
Năm 2018, Quảng Đông ghi nhận mức tăng trưởng 6,8%, dưới mục tiêu đề ra 7%, khi phải tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào các ngành sản xuất chi phí thấp và xuất khẩu. Hai thành phố lớn khác là Quảng Châu và Thâm Quyến cũng đều không đạt được mức tăng trưởng đã đề ra trong năm ngoái.
Cuộc chiến thương mại chỉ là một phần lý do gây ra sự thay đổi lớn trong ngành sản xuất và sụt giảm lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Đông đang phải nỗ lực tăng cường tự động hóa để cạnh tranh với các tỉnh thành khác, cũng như của các thị trường mới nổi tại châu Á. Báo cáo của AmCham South China chỉ ra rằng, có tới 78% doanh nghiệp của hiệp hội này sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa. Đây là một sự chuyển biến rất lớn so với con số dưới 23% vào năm 2003.
Tuy nhiên, cũng theo ông Seyedin, việc mở cửa với đầu tư nước ngoài hơn nữa cũng là cần thiết. Điều này có thể giúp Trung Quốc chuyển từ nền sản xuất hàng hóa giá rẻ sang nền sản xuất dựa trên công nghệ tiên tiến. Ông nhận định: "Trong 3 năm trước đó (không tính năm ngoái), các nhà đầu tư nước ngoài có thể cảm nhận được những rào cản của thị trường, độ mở của thị trường là không đủ lớn. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng có dự định và mong muốn thị trường sẽ mở cửa hơn nữa. Để trở thành một phần của cộng đồng quốc tế, bạn phải cởi mở".
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đây có thể là cơ hội cho những nước có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam nổi lên. Tuy nhiên theo Wall Street Journal, sẽ phải mất khá nhiều thời gian để Việt Nam và các khu vực khác có đủ khả năng để tiếp nhận chuỗi sản xuất. Công xưởng mới của thế giới không thể thành hình chỉ sau một vài năm. Tuy có lợi thế về giá nhân công nhưng quy mô dân số cũng như sự hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng và cầu cảng cũng khiến Việt Nam ít có khả năng thay thế được Trung Quốc.
Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ, riêng tỉnh Quảng Đông dân số đã hơn 100 triệu người, trong khi Việt Nam chỉ có 95 triệu dân. Đồng nghĩa với việc có thể xảy ra tình trạng thiếu lao động khi các nhà sản xuất đổ dồn về Việt Nam để tránh thuế trừng phạt từ Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trung Quốc vốn được biết đến với các chuỗi cung ứng được chuyên môn hóa, giúp họ đi đầu trong các lĩnh vực sản xuất từ điện thoại thông minh, đồ gia dụng, đồ chơi đến bàn ăn…
Với kế hoạch di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn khả dĩ nhất với Peter Zhao – nhà sản xuất các sản phẩm điện tử cho ECM Industries. Tuy nhiên, các nhà máy địa phương chỉ cung cấp được bộ phận phụ, các bộ phận quan trọng thì phải dựa vào nguồn nhập khẩu.
Zhao cho biết, để chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ phải phát triển chuỗi cung ứng xuyên biên giới lại từ đầu, cũng như các hoạt động liên quan khác như đàm phán về chất lượng và giá cả. Tuy nhiên theo ông, nguồn lực và ngân sách của công ty là có giới hạn với sự chuyển đổi này.
Bà Wing Xu, Giám đốc Omnides Group, nhận định: "Sau 15 năm khởi động, Trung Quốc đã có thể cung cấp bất cứ thứ gì bạn muốn". Công ty này đã chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà máy tại Việt Nam chỉ đáp ứng được 1/4 các chỉ tiêu cần thiết. "Bạn không thể chuyển doanh nghiệp sang Việt Nam và ngay lập tức tìm thấy thứ bạn đang tìm kiếm", Wall Street Journal dẫn lời Wing Xu.