Từ mối quan hệ giữa Man United và Argentina
Trận đấu giữa Argentina của tân HLV Gerardo Martino với Bồ Đào Nha vào ngày 18/11 tới trên sân Old Trafford chính là thành quả từ nỗ lực của Man United trong việc phát triển mối quan hệ với Argentina, đi cùng với những tân binh như Di Maria hay Rojo.
Dẫu vậy, trận đấu này không được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng khán giả lớn tới sân Old Trafford. 50.000 khán giả có lẽ là con số dự tính, dù cho màn đối đầu giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, hai siêu sao của làng bóng đá thế giới vào thời điểm hiện tại, phần nào đó đem đến động cơ thúc đẩy lượng khán giả đến sân đông hơn.
Di Maria đang giúp Man United thu lợi cả về chuyên môn lẫn tài chính
Thực tế, việc xây dựng mối quan hệ với Liên đoàn bóng đá Argentina của Man United đến khi đội chủ sân Old Trafford cần một nguồn lợi thương mại mới sau khi để cho chân sút Javier Hernandez tới Real Madrid theo dạng cho mượn. Tiền đạo người Mexico từng là một trong những công cụ hái ra tiền của Man United khi anh gia nhập đội bóng vào năm 2011.
Đợt sản xuất đầu tiên những chiếc áo đấu có dòng chữ Chicharito (biệt hiệu của Hernandez) đã đáp ứng nhu cầu của khán giả Mexico trong suốt cả một năm. Những chiếc áo đó được bán hết chỉ trong vòng hai tháng, và nhờ thế Man United vượt qua Barcelona để trở thành đội bóng đá được yêu mến nhất ở Mexico. Những đơn đặt hàng tiếp theo thường tăng lên thậm chí tới 300%.
Triển vọng trong mối quan hệ giữa Man United và Argentina được mở ra, bất chấp những nghi ngại về khả năng thích ứng của các cầu thủ đến từ xứ sở Tango. Điều này được Sir Alex Ferguson nói rõ trong cuốn tự truyện của mình.
Ông mô tả những khó khăn khi phải làm việc với Juan Sebastian Veron, và nói rằng cầu thủ này chẳng nỗ lực gì trong việc học tiếng Anh nhằm thích nghi với các đồng đội. Veron chuyển đến Man United với mức giá lên tới 28,1 triệu bảng, nhưng chỉ trụ lại trong hai năm.
Sir Alex cho biết: “Tôi thú nhận rằng mình gặp vấn đề với những cầu thủ người Argentina. Họ luôn là những người thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt, với những lá cờ quanh mình. Tôi không thấy có vấn đề gì ở đây, nhưng có một người tôi huấn luyện lại tỏ ra không chịu nói tiếng Anh, đó là Juan Veron”.
Làn sóng sẽ còn tiếp tục
Dù sao đi nữa, sẽ không sai khi nói đến triển vọng Nam Mỹ hóa đội hình của Man United. Ngoài những cầu thủ Argentina trong đội hình như Di Maria hay Rojo, đội chủ sân Old Trafford còn có không ít cầu thủ tới từ các nước Nam Mỹ khác từ Rafael, Anderson, Andreas Pereira (Brazil), Radamel Falcao (Colombia), Antonio Valencia (Ecuador).
Falcao cũng là một cầu thủ Nam Mỹ chất lượng
Bản thân Sir Alex Ferguson dù không thật sự chuộng những người Nam Mỹ cũng đã góp phần khai mào làn sóng cầu thủ đến từ khu vực này, với bản hợp đồng mang tên Guillermo Varela từ Penarol với mức giá 2 triệu bảng vào năm 2013, ngay trước thời điểm chuyển giao nhiệm vụ cho David Moyes.
Cũng chính ông thừa nhận rằng Man United có một hệ thống các tuyển trạch viên ở Nam Mỹ bao gồm một tuyển trạch viên ở Mexico, hai người ở Brazil và bốn người phụ trách Nam Mỹ.
Chừng đó đủ để báo hiệu rằng làn sóng cầu thủ Nam Mỹ tới sân Old Trafford sẽ không có dấu hiệu dừng lại.
6 Trong đội một của Man United ở thời điểm hiện đại có 6 cầu thủ đến từ các quốc gia Nam Mỹ.
3 Đông nhất trong thành phần các cầu thủ Nam Mỹ của Man United là Brazil với 3 thành viên (Rafael, Anderson và Pereira).
2001 Cầu thủ Argentina đầu tiên đến chơi cho Man United là Juan Veron, gia nhập năm 2001 với mức phí 28,1 triệu bảng.