Con cá tháng Tư vĩ đại
Tầm này năm trước, con “Cá tháng Tư” lớn nhất mà báo chí Anh câu được từ người hâm mộ bóng đá nước này là bản tin về việc “Tam sư” phải trả lại chiếc cúp vô địch World Cup 1966 cho người Đức.
Khá dễ hiểu với phản ứng của người Anh, bỏ qua cả việc đây chỉ là cú lỡm của truyền thông. Chiếc cúp vàng 1966 là niềm tự hào duy nhất trên đấu trường quốc tế của Anh - đội tuyển luôn nghĩ mình nằm ở vị trí “trên đỉnh” của thế giới bóng đá.
Có tình cảnh tương tự với đội tuyển Anh, ở “vùng trũng” của bóng đá thế giới - Đông Nam Á là Việt Nam. Chức vô địch AFF cúp 2008 là niềm tự hào duy nhất của bóng đá Việt Nam trên đấu trường này.
Mới đây, đội tuyển Anh vừa có 2 trận đấu với cảm xúc đối lập nhau hoàn toàn.
Trận thắng ngược dòng “không tưởng” trước đương kim VĐTG Đức đưa người Anh bay bổng lên chín tầng mây. Ngay sau đó, họ rơi thẳng xuống mặt đất bằng trận thua trước Hà Lan, dù dẫn trước.
Tuyển Việt Nam cũng vậy, bay bổng với trận thắng hoành tráng đến 4-1 trước Đài Bắc (Trung Hoa), và sau đó lại ngã oạch với trận thua 0-1 trước Iraq. Thầy trò Hữu Thắng hồi hương lặng lẽ, không kèn trống.
Người hâm mộ Việt Nam phát cuồng với chiến thắng của đội nhà.
Tuyển Anh thắng bất ngờ, và thua bất ngờ. Còn Việt Nam thắng xứng đáng trước đối thủ quá yếu, và thua xứng đáng trước đối thủ quá mạnh.
Người Anh sau nỗi vui mừng quá đỗi, đã chùng xuống để nhìn lại chính mình, nhìn lại thực lực đội tuyển trước thềm đấu trường lớn Euro.
Người Việt sau sự hồ hởi của trận thắng, chợt xìu xuống như như gà gặp mưa sau trận thua tối thiểu trước đối thủ hàng đầu châu Á. Lạ!
Lạ cho cái sự kỳ vọng quá đáng của người hâm mộ. Thua Iraq với cách biệt tối thiểu, tất nhiên là không thể vui, nhưng cũng chẳng thể đủ để buồn. Chúng ta là ai? Iraq là ai? Và ở đẳng cấp nào?
Lạ lùng thay Hữu Thắng khi “dìm hàng” bằng được HLV tiền nhiệm bằng cách sổ toẹt trận hòa đầy cảm xúc với Iraq trên Mỹ Đình bằng lý do đội bạn không quen thời tiết, đang trong tháng ăn chay (?).
Lạ lùng thay Hữu Thắng, sau đấy tự nâng mình bằng phát biểu đầy tiếc nuối “đáng ra phải hòa” ở trận lượt về, với lý do sân xấu.
Lạ lùng thay cho cái lối chơi tấn công, đòi ăn thua đủ với đội bóng hơn mình cả tầm trình độ, sức mạnh, hình thể và kỹ thuật.
Nói cho công bằng, con “Cá tháng Tư” này còn to và khó nhằn hơn nhiều “con cá” mà người hâm mộ Anh quốc gặm năm ngoái, nhưng đến giờ vẫn khiến không ít người hâm mộ tự sướng mê man.
Tương đồng và dị biệt
Người ta đồn rằng, trong bản hợp đồng giữa Man United và Wayne Rooney ngày nào, Sir Alex Ferguson thêm vào điều khoản đặc biệt: Rooney phải mua nhà trong vòng bán kính 500m tính từ nhà ông, để tiện bề quản lý đời sống ngoài bóng đá của “cậu nhóc”.
Năng khiếu được phát lộ từ rất sớm, “thần đồng” Rooney ngày còn ở Everton chẳng thiếu thói hư, tật xấu. Nhưng về với Sir Alex, tiền đạo này “ngoan như cún”.
Năm 2004, Cristiano Ronaldo “giở trò” mách trọng tài khiến Rooney ăn thẻ đỏ. Cả nước Anh nguyền rủa Ronaldo. Người hâm mộ Man United đòi ăn thua đủ với tuyển thủ Bồ Đào Nha này. Rooney cũng phát điên.
Ông thầy già gọi Rooney vào nói chuyện “Mày giận nó, thì chúng mày đá cặp với nhau trên sân kiểu gì? Là thằng đàn ông, ra sân thì quên hết đi!”. Rooney bỏ qua thật.
Với sự can thiệp của Sir Alex, gương vỡ lại lành.
Hơn 2 năm sau, Alex Ferguson làm một việc động trời: rút Rooney từ tiền đạo cắm xuống đá hộ công cho Ronaldo. Rooney không một lời oán thán. Mùa giải ấy, Ronaldo ghi 42 bàn trên các mặt trận, Man Unted thâu tóm cả Premier League lẫn Champions League.
Ngót nghét 31 tuổi, đeo băng đội trưởng, song vị trí ở cả Man United lẫn tuyển Anh đang lung lay, không chỉ vì chấn thương đeo đẳng, mà còn do phong độ đã xế chiều, nhưng suốt sự nghiệp bóng đá của mình, Rooney mang ơn ông thầy Alex Ferguson.
Công Vinh sinh cùng năm với Rooney, muộn hơn người đồng nhiệm ở tuyển Anh 1 tháng 14 ngày.
Người ta nói, Vinh không những là một tiền đạo giỏi, mà còn khôn ngoan có tiếng. “Scandal” vái lạy trọng tài, bị cấm 6 trận, Vinh đánh tiếng “sẽ treo giày, từ chối nghĩa vụ ở đội tuyển nếu không được giảm án”, án phạt lập tức giảm còn một nửa.
Ở cái tuổi xế chiều của sự nghiệp, nhưng hình ảnh của Công Vinh vẫn khiến B.Bình Dương bỏ ra cả đống tiền rước anh về để làm thương hiệu, dù cống hiến trên sân là cực kỳ mờ nhạt.
Các cầu thủ của tôi đã chơi một trận đầy cố gắng, tạo ra được nhiều sức ép lên phần sân Iraq.
Nếu may mắn hơn chút nữa, Việt Nam đã có thể có bàn gỡ hoà, buộc đối phương chia điểm. Tôi cũng lấy làm tiếc vì mặt sân PAS Ghavamin không tốt, ảnh hưởng tới lối chơi của chúng tôi".
Phát biểu của HLV Hữu Thắng
Trùng hợp thay, nếu Rooney có mối duyên nợ với Sir Alex, thì Công Vinh có mối duyên nợ với Hữu Thắng.
Chỉ có điều, càng ở với Sir Alex, Rooney càng ngoan. Công Vinh thì ngược lại.
“Chân ướt chân ráo” lên tuyển dưới thời Hữu Thắng, chưa kịp ra sân trận nào, Công Vinh đã kịp “đâm sau lưng” đồng đội ở CLB, đồng thời là đối tác cạnh tranh trên tuyển - Anh Đức.
Hữu Thắng vừa được tôn vinh với hành động bắt học trò nâng đội bạn dậy, thì trận gặp Iraq, Công Vinh đã kịp “ghi dấu ấn” với pha đánh nguội cùi chỏ vào mặt cầu thủ đối phương, may mắn khi không phải lĩnh thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài.
Vụ thứ nhất, Hữu Thắng trả bóng ngược về “cho hai bạn tự giải quyết”. Vụ thứ hai, Hữu Thắng “quên” không bình luận.
Dưới thời HLV Hữu Thắng, Công Vinh không chỉ xông xáo, mà còn ngổ ngáo hơn.
Dưới thời Hữu Thắng, ngoài Công Vinh, HLV này cũng “dành tình cảm” cho Quế Ngọc Hải - từng chịu án vì đá gãy chân đối phương, lên tiếng đòi VFF “xét lại” trường hợp Văn Quyết đánh trọng tài.
Dưới thời Hữu Thắng, đội tuyển quốc gia là tập hợp của cầu thủ Nghệ An, lĩnh hội trọn vẹn lối đá “máu lửa”, không ngại va chạm và những “đứa trẻ” hiền lành nhà bầu Đức.
Bầu Đức sẽ nghĩ thế nào khi những cầu thủ “được học hành và hành xử tử tế” sẽ phải kết hợp với những cầu thủ từng “dính phốt” với những hành xử mà ông đã từng gọi là “mất dạy”?
(Nguồn ảnh: Dân Việt)
Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Mặc cho sự tỏa sáng của Harry Kane, Vardy hay Daniel Sturridge, HLV trưởng ĐTQG Anh Hodgson vẫn tuyên bố Wayne Rooney chắc chắn sẽ đeo băng đội trưởng tại Euro 2016 "Cậu ta là một đội trưởng tuyệt vời. Cậu ta là một nhân vật tốt".
“Vui lòng tìm lại băng ghi âm tôi có nhắc đến 2 chữ Anh Đức nào trong câu trả lời phỏng vấn của mình hay không?
Vì lúc tôi trả lời phỏng vấn có rất đông phóng viên các đài và truyền thông cả nước.
Hay tự báo chí suy diễn tôi đá xéo rồi "nhét" chữ vào miệng như là tôi đã nhận xét về đồng đội mình như vậy làm ảnh hưởng đến tôi suốt thời gian qua”.
Facebook Lê Công Vinh
Ngược lại "chân ướt chân ráo" về đến Việt Nam, Công Vinh đã kịp khiến người ta nhắc đến mình.
Lạ lùng thay khi Công Vinh bày tỏ sự bức xúc về việc bị phóng viên "nhét chữ vào mồm" khi khẳng định mình không hề nhắc đến Anh Đức trong cuộc trả lời phỏng vấn, thì việc "bóc băng" chứng minh ngay điều ngược lại.
Theo đó, việc Công Vinh "bình luận" về Anh Đức là khá chủ động và dứt khoát.
Nên nhớ, chỉ vài ngày trước đó, HLV Hữu Thắng đã có phen lúng túng đến tội nghiệp khi phải giải thích về sự vắng mặt của tiền đạo người Bình Dương trên tuyển.
Liệu có thể tin được Công Vinh, khi chứng cớ đang chứng minh điều ngược lại?
"Một lần bất tín...", liệu có thể tin được Công Vinh trong vụ "tố" lãnh đạo B.Bình Dương "đâm sau lưng" mình?
Nhớ lại, sự nghiệp đỉnh cao của Công Vinh bắt đầu từ án bán độ ở SEA Games 2005 của những Quốc Vượng, Văn Quyến và một cơ số tuyển thủ quốc gia, giật sập cả một thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam.
Sở dĩ, nhiều cầu thủ dính vào đến thế bởi ngày đấy, họ sống với nhau rất “tình nghĩa”, “Anh Vượng đã nói, thì bọn em cứ thế mà làm thôi”, để rồi giật trôi cả danh dự, sự nghiệp của mình, lẫn nghĩa vụ với quốc gia xuống cống.
Hơn 10 năm đã trôi qua, Hữu Thắng ngồi vào chiếc ghế cao nhất của tuyển Việt Nam, người ta lại thấy loáng thoáng lối hành xử có phần “Lương Sơn Bạc” ngày nào. Những “món nợ tình nghĩa” bắt đầu nhen nhóm.
Hi vọng, đấy chỉ là những cảm nhận cảm tính, và dù có là gì, thì lợi ích quốc gia, sự ngay thẳng và fair-play trong cuộc chơi vẫn được đặt lên hàng đầu.
Công Vinh đánh người ở trận gặp Iraq