Vụ Rio Ferdinand: Vấn đề của một thế hệ cầu thủ Anh

Theo TTVH |

Terry Venables từng nói ông có một lời khuyên cho các HLV đội tuyển Anh. Điều đầu tiên phải làm là đóng cửa phòng thay đồ lại và thông báo: “Sắp tới sẽ khó khăn, nhiều lúc không vui vẻ gì. Những ai không muốn tham gia, xin mời bước ra khỏi đây”.

Bản thân từng vào tới bán kết một giải lớn cùng tuyển Anh trên sân nhà ở EURO 1996, Venables hiểu rõ gánh nặng của kỳ vọng. Ông hiểu về khuynh hướng hiện đại của các cầu thủ có thể dễ dàng coi trọng sự nghiệp ở CLB hơn đội tuyển quốc gia và một số người có thể gục ngã trước sức ép từ các CĐV hay truyền thông. Ông muốn làm rõ rằng sự mơ hồ là không được chấp nhận với một nền bóng đá không vào chung kết một giải lớn nào kể từ năm 1966 nhưng lúc nào cũng được kỳ vọng sẽ vô địch.

 Vụ Rio Ferdinand: Vấn đề của một thế hệ cầu thủ Anh
Như Ferdinand, người Anh không tin ĐTQG sẽ thi đấu thành công ở Brazil

Từ lời khuyên của Venables

Chỉ vào cánh cửa dẫn ra khỏi phòng thay đồ, vì vậy, là cách tốt nhất để bắt đầu, để các cầu thủ nhận ra thực tế đó. Ở thời của Steve McClaren, khi Venables vào vai trợ lý, một câu chuyện ít người biết vẫn được kể. Một cầu thủ từng gọi cho người đại diện của mình nhờ tham vấn về cách thoát khỏi những trận đấu với đội tuyển quốc gia, sự tuyệt vọng trong màu áo trắng, do đó, lớn hơn nhiều người vẫn tưởng.

Vào buổi tối thứ Sáu ngày diễn ra trận vòng loại của tuyển Anh gặp San Marino, một trận mà họ được chờ đợi chắc thắng, chứ không phải như chuyến hành quân tới Montenegro thứ Ba tuần sau, mọi sự chú ý lại tập trung hết vào một cầu thủ lựa chọn sẽ không có mặt ở đó. Những lời bào chữa mạnh miệng của Rio Ferdinand trên Twitter về quyết định rút khỏi danh sách triệu tập của HLV Roy Hodgson với lý lẽ anh không sẵn sàng về thể lực chỉ 3 ngày trước khi Ferdinand lên một chuyến bay dài tới Doha thăm học viện Aspire và làm bình luận viên cho kênh Al Jazeera là một sự thật đau lòng với bóng đá Anh về việc những tài năng xuất sắc nhất của họ có thể tìm thấy sự vui thứ ở nơi khác ngoài màu áo đội tuyển quốc gia ra sao.

“Luôn có vấn đề gì đó với các trận đấu của đội tuyển”, Steven Gerrard, đội trưởng tuyển Anh, thốt lên. Một quan điểm đúng, nhưng đầy bất nhẫn, của người đã trải qua 7 giải đấu lớn trong màu áo Tam sư với rất ít kỷ niệm vui. Hodgson, né tránh mọi rắc rối có thể kéo dài vì vụ Ferdinand, cố gắng khép lại vụ việc bằng một tuyên bố ngắn gọn, đơn giản: “Tôi thất vọng vì cậu ấy không thể chấp nhận lời mời của chúng tôi”.

Vì Ferdinand muốn vô địch

Nghe như thể ông đang mời một người bạn tới dự tiệc thịt nước ở sân sau nhà. Ferdinand, đương nhiên, có nhiều lý do để không khoác áo tuyển Anh. Logic chỉ ra rằng M.U có khả năng lớn sẽ giành được những danh hiệu gì đó trong 16 tháng tới, lớn hơn nhiều so với tuyển Anh, và Ferdinand còn muốn ở lại Old Trafford vào năm tới: Trong đội hình xuất phát, chứ không phải ngồi dự bị cho Jonny Evans hay Phil Jones.

Cân nhắc đó có lẽ là quan trọng hơn với anh so với việc mong muốn đẩy Hodgson vào thế bí vì ông đã bỏ anh ở nhà tại Euro 2012 để John Terry có thể tới Ba Lan và Ukraina.

Nhưng trong khi việc chuẩn bị cho trận đấu ở vòng loại World Cup của tuyển Anh bị che phủ bởi cuộc tranh luận về một cầu thủ đã không ra sân trong màu áo trắng kể từ trận gặp Thụy Sĩ tận tháng 6/2011, có một cuộc tranh luận khác lớn hơn về động cơ của toàn đội: Liệu những cầu thủ ra sân ở sân bóng 7.000 chỗ tại San Marino và sau đó ở Podgorica có cơ hội thực tế nào giành một danh hiệu trong tương lai?

Phần thưởng được tham dự một kỳ World Cup ở Brazil đương nhiên là đủ lớn, một trải nghiệm đủ hứa hẹn ngay cả với những cầu thủ gạo cội nhất, dày dạn nhất, miễn là họ được ở lại đủ lâu. Thật ra, nếu có kỳ World Cup nào mà riêng việc tham dự cũng đã là một vinh dự lớn và là một đặc ân, thì đó chính là Brazil 2014. Tình yêu cạn chén dành cho bóng đá không thể tìm thấy ở bất cứ nước chủ nhà World Cup nào khác.

Đó là chưa nói tuyển Anh có thể tới đó với tư cách nửa như những du khách. Xét cho cùng, chẳng ai kỳ vọng gì nhiều ở họ. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ những cầu thủ chơi bóng ở Premier League đã được phủ vây bởi tiền bạc (có thật) và ánh hào quang (rất nhiều khi là giả tạo) rằng họ là những người giỏi nhất thế giới, những người phải là một phần của lịch sử và những điều thần kỳ.

“Sau khi đánh bại Brazil (trong trận giao hữu tháng trước, tôi tin rằng vào ngày đẹp trời của chúng tôi, với đội hình mạnh nhất, chúng tôi có thể đánh bại bất cứ ai”, đội trưởng Gerrard tuyên bố như thế sau trận thắng ở Wembley. Sự thật không phải như vậy, ít ra là từ khi Premier League bắt đầu được xây cất trên những núi tiền. Với người Anh lúc này, vượt qua vòng loại cũng đã là phần thưởng lớn rồi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại