Võ “dị” hiểm như Lý Tiểu Long của Sherlock Holmes

Lê Sơn |

Chỉ cần một cây gậy baton trong tay, các võ sĩ Bartitsu có thể hạ gục hàng chục đối thủ nhanh gọn đến nỗi chính nạn nhân cũng không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.

Môn “chẳng giống ai” từng mất tích 1 thế kỷ

Bartitsu được coi là một trong những bộ môn võ thuật kỳ lạ nhất thế giới nhưng lại cũng được coi là thứ nghệ thuật chiến đấu lợi hại nhất, nhất mà nước Anh từng sản sinh ra.

Bartitsu được sáng lập bởi Edward William Barton-Wright vào năm 1898, lấy nền tảng từ môn Nhu thuật (jujitsu) của Nhật Bản kết hợp với boxing và một số môn võ khác của châu Âu như vật, đấu kiếm, Savate…

Edward William Barton-Wright vốn là một kỹ sư nhưng đã có thời gian sinh sống khá lâu ở đế quốc Nhật Bản. Tại đây, ông đã tầm sư học đạo và tu luyện rất nhiều thứ công phu trong đó nổi bật là jujitsu.

Sau chừng hơn 3 năm, ông trở về Anh và sáng tạo ra một thứ võ công được coi là “kỳ quái” thời đó, chuyên dùng để chiến đấu ngoài đường phố, đặt tên Bartitsu.

Bartitsu sở hữu nhiều chiêu thức rất thực dụng.
Bartitsu sở hữu nhiều chiêu thức rất thực dụng.

Khi Bartitsu mới được đem ra trình diễn ở Anh, người ta đã không thể tin vào mắt mình khi một người tưởng chừng rất nhỏ bé, yếu ớt lại có thể dễ dàng hạ gục cả chục người một cách nhanh đến vậy. Đặc biệt, những chiêu thức của Bartitsu được coi là hết sức kỳ cục, khó hiểu.

Trong khoảng từ 1898-1902, Bartitsu phát triển mạnh, được coi trọng tới mức nhiều người đã gọi đây là môn võ bất tử. Môn này cũng trở thành cảm hứng để Sir Arthur Conan Doyle sáng tạo nên hình tượng thám tử lừng danh Sherlock Holmes.

Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, đến năm 1903, Bartitsu bỗng dưng biến mất.

Trên khắp lãnh thổ nước Anh và cả các quốc gia lân cận, người ta không thể một lần nhìn thấy bóng dáng của môn võ này và phải mất 99 năm (năm 2002) mới lại được hồi sinh.

Bartitsu là một trong những môn võ lạ lùng nhất thế giới.
Bartitsu là một trong những môn võ lạ lùng nhất thế giới.

Đến nay, người ta vẫn đi tìm nguyên nhân của sự mất tích này. Có người nói bởi Bartitsu chỉ nhắm đến người giàu và thu tiền học phí quá cao, một số khác lại cho rằng bởi các trung tâm đào tạo quản lý quá tồi tệ…

Tuy nhiên những lý giải này đều không mang nhiều tính thuyết phục và việc môn võ này mất tích suốt 1 thế kỷ vẫn là điều bí ẩn.

Được so sánh với Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long

Dựa trên nền tảng của jujitsu - môn võ có thể đoạt mạng đối thủ chỉ với vài động tác nên dễ hiểu vì sao Bartitsu được đánh giá hết sức lợi hại.

Hơn nữa, việc kết hợp Nhu thuật của châu Á với boxing, vật, đấu kiếm, Savate… của châu Âu khiến Bartitsu càng được đánh giá cao ở khả năng thực chiến.

Những năm cuối thế kỷ 19, người ta gọi đây là thứ để giải quyết những vấn đề của thành thị, chuyên dùng để tự vệ trong một “xã hội không có vũ khí”.

Vào giai đoạn này, đã từng có một số tên tuổi nổi lên trở thành những cao thủ hàng đầu của Bartitsu cũng như làng võ châu Âu như Percy Longhurst, William Garrud và Jean Joseph-Renaud…

Tại Anh, có khá nhiều phụ nữ đang tập Bartitsu.
Tại Anh, có khá nhiều phụ nữ đang tập Bartitsu.

Với sự pha tạp và thực dụng như vậy nên về sau này người ta đã so sánh Bartitsu với Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long.

Nhưng khác với môn Triệt quyền đạo sau này nổi tiếng nhất thứ binh khí côn nhị khúc thì Bartitsu lại đặc biệt “bá đạo” với những chiếc gậy baton (đặt theo tên người sáng lập, được sử dụng rộng rãi ở châu Âu ở thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20).

Tới tháng 7-2015, một nhà nghiên cứu võ thuật người Anh Nigel Gordon đã công bố những tài liệu tổng hợp tất cả các kỹ thuật tự vệ bằng thứ vũ khí đặc biệt này, mang tên “Hệ thống chiến đấu Barton-Wright”.

Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu võ thuật hiện đại, Bartitsu cũng như người sáng lập EW Barton-Wright có vai trò không nhỏ đối với hệ thống giải võ thuật tổng hợp (MMA) ngày nay.

Một số kỹ thuật trong môn Bartitsu.

Nhìn chung đến nay Bartitsu vẫn là môn võ còn xa lạ trên thế giới bởi chỉ có khá ít người biết tới nó. Tuy nhiên, thật may mắn rằng môn nghệ thuật chiến đấu này đã được hồi sinh thay vì vĩnh viễn bị thất truyền.

Năm 2011, Tạp chí điện tử võ thuật và khoa học của Anh (EJMAS) đã đăng tải nhiều bài viết giới thiệu về Bartitsu, dựa theo những tài liệu lưu trữ tại Thư viện Hoàng gia Anh của tác giả Richard Bowen với nhiều minh họa và chú thích đặc sắc.

Các tài liệu được đăng tải lập tức nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Đúng 1 năm sau (2002), Hội Bartitsu được thành lập, đánh dấu sự hồi sinh của môn võ này sau 1 thế kỷ bị mất tích không rõ nguyên nhân.

Năm 2011, bộ phim tài liệu “Bartitsu – võ thuật bí truyền của Sherlock Holmes” được phát hành nhằm quảng bá cho môn võ này.

Đến nay môn võ này đã bắt đầu phát triển từ Anh lan sang một số nước khác tại châu Âu và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại