Đủ kiểu áp lực
Thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc ĐTVN sử dụng các HLV nội thay vì đi thuê thày ngoại. Người quyết liệt nhất không ai khác ngoài bầu Đức.
Vị Phó Chủ tịch VFF còn thẳng thắn tiến cử HLV Hữu Thắng và HLV Lê Huỳnh Đức ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng ĐTVN.
Tuy nhiên, đáp lại chỉ là những động thái hết sức dè dặt của hai nhà cầm quân này. Nếu như HLV Lê Huỳnh Đức chưa đưa ra ý kiến thì HLV Hữu Thắng cho rằng, việc dẫn dắt ĐTQG không phải là chuyện “nói cho sướng miệng”.
Trên thực tế, việc các HLV nội không mặn mà với ghế tuyển chẳng còn là chuyện hiếm với bóng đá Việt Nam.
Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến việc dẫn dắt ĐTQG, các HLV trong nước đều... chối đây đẩy. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
Thứ nhất, bóng đá Việt Nam coi trọng thành tích hơn phát triển bền vững. Vì thế, áp lực trên vai các HLV trưởng ĐTVN luôn rất lớn.
Thày ngoại áp lực một thì thày nội áp lực hai bởi khi đội tuyển chơi không tốt, ngay lập tức dư luận và cả lãnh đạo VFF đưa ra sự so sánh với các HLV nước ngoài. Đó là chưa kể tới việc các HLV nội không được trao toàn quyền như thày ngoại.
Thứ hai, tư tưởng cục bộ, quân anh quân tôi khiến các HLV nội rất khó trong việc tuyển quân. Lấy người ở đội bóng này liền bị đội bóng kia cho rằng thiên vị.
Như thời HLV Phan Thanh Hùng, ông bị chỉ trích quá ưu ái quân Hà Nội T&T bất chấp việc đội bóng Thủ đô sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng, xứng đáng khoác áo tuyển.
Thứ ba, theo bình luận viên Đình Khải, các HLV nội hiểu rõ nền bóng đá Việt Nam nên không dám mạo hiểm.
“Mặt bằng cầu thủ của chúng ta chỉ có vậy. Tuyển chọn mãi vẫn chẳng ra được một đội tuyển chất lượng. Những ông thày ngoại có thể không hiểu nhưng các HLV nội thì hiểu rất rõ.
Họ biết rằng không thể dẫn dắt những cầu thủ làng nhàng giành thành tích cao nên tốt nhất là từ chối”.
Đâu là giải pháp?
Kể từ năm 1991 tới nay, đã có tổng cộng 11 nhà cầm quân nội ngồi vào chiếc ghế HLV ĐTVN (tính cả tạm quyền). Tuy nhiên, đa phần trong số đó đều chỉ nắm quyền một thời gian ngắn trước khi từ chức.
Cá biệt còn có HLV chưa chỉ đạo được trận đấu nào như HLV Vũ Văn Tư (1991) bởi các tuyển thủ đồng loạt bỏ về khi thấy điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Nhổn quá khó khăn.
Đây là thực trạng hết sức đáng buồn bởi rất nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển đều ưu tiên sử dụng HLV trong nước.
Chẳng nói đâu xa, ngay Thái Lan cũng đang rất thành công khi trao “thượng phương bảo kiếm” cho HLV Kiatisuk.
Việt Nam cũng có những HLV tuổi trẻ tài cao, từng thành công trên cương vị cầu thủ rồi cương vị huấn luyện như Hữu Thắng, Huỳnh Đức hay Văn Sĩ. Vấn đề là cách làm của VFF chưa thể thuyết phục được các HLV nội.
Nhà báo Nguyễn Nguyên cho rằng, muốn những HLV nội mạnh dạn đứng lên nhận trọng trách, VFF cần phải thay đổi cả cách nghĩ lẫn cách làm.
“VFF cần thay đổi cách nhìn với HLV nội. Phải làm sao để các HLV cảm thấy được tôn trọng, được tin tưởng và cảm thấy lên tuyển giống như có một ngôi nhà mới để yên tâm làm việc chứ không phải tạm bợ vài bữa rồi lại thay.
HLV họ đã bỏ CLB để lên dẫn dắt đội tuyển nhưng động cái là các ông sa thải chẳng phải họ thành ra thất nghiệp.
Thế nên HLV Phan Thanh Hùng chỉ đồng ý nhận lời dẫn dắt ĐTVN khi VFF chấp nhận ông kiêm nhiệm dẫn dắt cả Hà Nội T&T.
Thêm nữa, khi đã trao quyền cho HLV nội thì VFF cần tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc từ con người tới cơ sở vật chất.
Tôi nói đơn cử như HLV Hoàng Anh Tuấn đang dẫn dắt U19 Việt Nam, tất cả kế hoạch tập huấn của ông Tuấn, ngay cả chuyến đi Nha Trang đều bị gạt bỏ.
Lứa U19 còn vậy, không hiểu đội tuyển sẽ thế nào. Từ xưa tới nay, những nhà cầm quân ngoại đều muốn gì được nấy nhưng với HLV nội thì VFF nâng lên đặt xuống cả chục lần rồi chẳng ra đâu vào đâu. Như vậy rất khó để họ dốc sức cho đội tuyển quốc gia”.